Saturday, April 20, 2013

Xem đua heo ở Củ Chi

Cửa đường đua vừa mở, các chú heo lớn nhỏ lao lên như những vận động viên đua thực thụ. Trong khi đó, màn biểu diễn xiếc của các chú vịt thì nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần hấp dẫn.

Đó là những hình ảnh ấn tượng tại Làng du lịch các dân tộc thiểu số TP.HCM (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM). Chỉ mất vài chục ngàn đồng, người dân Sài Gòn đã có thể xem đua heo, xiếc vịt bất kỳ lúc nào.

Trong khuôn viên vài trăm hecta của làng du lịch, “trường đua heo” là một bãi đất có mái che rộng 5m, dài 40m, có 6 đường đua, mỗi đường dành cho một “vận động viên” rộng chừng 25cm.

Điểm xuất phát là 6 lồng nhỏ, có 6 chú heo đang chờ sẵn trong các lồng. Các “đệ tử Trư Bát Giới” trông rất vô tư, không hồi hộp trong khi quản trò và huấn luyện viên khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc đua sôi động. Heo lớn lẫn heo bé nằm, đứng kêu ủn ỉn. Có chú chuẩn bị đua mà vẫn còn… ngủ, mặc cho mọi ánh mắt đang đổ dồn về mình.

Trước khi cuộc đua bắt đầu, quản trò khuấy động khán giả bằng cách hô hào “đặt cược” cho chú heo thắng giải. Người chọn chú ở đường số 2, người chọn số 3, 6…

Tiếp đó quản trò… hét cho các “vận động viên” đứng dậy, rồi ra hiệu lệnh. 6 cánh cửa lồng sắt mở cùng lúc, các “chú Trư” hì hục chạy, vượt qua các chướng ngại vật lao thẳng về đích. Tuy thế, cũng có chú thấy cổ động viên đông quá, đứng lại nhìn ngơ ngác; có chú thấy mẩu bánh mỳ lập tức dừng lại đánh chén, khi huấn luyện viên gõ vào thanh sắt thì các chú mới… chạy tiếp.

Trong số các “vận động viên”, có nàng thân hình rất to, vừa mới sinh nên bầu sữa cứ lúc lắc, nhưng không vì thế mà chạy thua đối thủ.

Rất đông cổ động viên hò hét, liên tục được gõ vào rào chắn, những tràng pháo tay tán thưởng cuồng nhiệt vang lên không ngớt.

Anh Bùi Văn Khách, huấn luyện viên tại trường đua, cho biết heo Móng Cái được nhân giống qua nhiều lứa tại khu du lịch mới có thể huấn luyện được. Đến khoảng 4 tháng tuổi là ra lò. Các chú heo phải “ép cân” chừng 20kg để kéo dài thời gian đua, nếu lớn nhanh hay mập quá sẽ ảnh hưởng đến tốc độ.

“Giai đoạn xuất phát mất nhiều thời gian huấn luyện nhất. Để các chú heo rời điểm xuất phát tốc độ và cùng lúc thì phải dạy cho chúng quen khẩu lệnh.

Khi đã thuần thục, từ sáng sớm cho ăn xong, mở chuồng là chúng tự động chạy qua trường đua nằm chờ. Nhiều khi 2 chú giành một lồng, chúng tôi phải vất vả tách ra. Trong cuộc đua, nhiều khi con chạy đầu tiên cũng có thể về chót, vì khán giả hét to quá, hoặc thấy thức ăn là dừng lại”, anh Khách vui vẻ kể.

Khán giả xem đua heo hay cá cược từ vài chục ngàn đồng, nhưng cũng có nhóm cá lên đến cả trăm đô la. Có người háu thắng nên “tiếp cận” các huấn luyên viên tìm hiểu thông tin các chú heo để bắt độ chính xác hơn.

Cách trường đưa heo không xa là khu xiếc dành cho các chú vịt. Nơi biểu diễn là cái hồ nhỏ và một máng trượt.

Vào màn biểu diễn, huấn luyện viên dùng cây sào có buộc vải màu đỏ điều khiển các chú vịt. Màn đầu, “diễn viên vịt” trượt máng nước, có chú trượt rất điệu nghệ rồi rơi tỏm xuống hồ, nhưng có chú trượt nửa đường mệt quá nên… bay xuống. Tiếp đến, đàn vịt đông đúc chia thành 2 nhóm đi đi lên thành cầu trượt máng và bục nhảy một lúc rất đẹp mắt.

Những ngày thường, các “vận động viên” heo, “diễn viên xiếc” vịt được nghỉ nhiều vì khách ít, nhưng ngày cuối tuần, đặc biệt là ngày lễ, rất đông khách, các chú phải diễn từ sáng sớm đến chiều tà, có ngày gần 30 suất, "cát xê" chỉ là... lon thóc và mớ rau xanh.

Đua heo là một lễ hội truyền thống ở Nga xuất hiện từ thế kỷ XVII và diễn ra định kỳ hàng năm vào ngày 20/3. Đua heo cũng rất phổ biến tại miền Nam nước Mỹ. Hiện đua heo cũng phổ biến ở Thái Lan, Trung Quốc, Anh…

Người ta còn thành lập Liên đoàn Thể thao heo và tổ chức cả Olympic dành cho heo với 3 môn: chạy đua, bơi và đá bóng. Tại Việt Nam, ngoài Khu du lịch các dân tộc thiểu số tại Củ Chi, còn có đua heo ở Công viên du lịch Yang Bay (Khánh Vĩnh, Khánh Hoà), sân đua Long Bình (Q.9, TP.HCM).

Du lịch, GO! - Theo Lê Quân / Infonet

No comments:

Post a Comment