Bình minh vừa hé, chúng tôi đã có mặt ở thôn Khe Và - điểm xuất phát chuyến bộ hành ngược núi đến con thác đẹp nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh): Pạc Sủi. Nói là nổi tiếng, nhưng ngay cả những người Dao, Sán Chỉ ở đây cũng đã mấy ai biết đến, bởi một lẽ, đường lên tới đỉnh thác vô cùng cheo leo và hiểm trở.
Vào những đêm tịch mịch, người ta chỉ thoảng nghe tiếng thác dội về như từ chốn xa xăm nào đó, mà nhớ tới lời truyền: Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, có bảy nàng tiên nữ hạ giới xuống tầng thác thứ 12 của Pạc Sủi, đùa vui trên phiến đá rộng phẳng lì, bên cạnh một hồ nước trong vắt, mát lạnh. Tục truyền rằng, đây là ngày sinh ra nước...
Nơi con người thuần khiết
< Cách thị trấn Tiên Yên chừng 10 km, con đường tới thác Pạc Sủi uốn lượn quanh co men theo sườn đồi, các cung ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.
Nói tới Pạc Sủi, đôi mắt ông Kiều Quốc Huy, Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên sáng lên như vừa nhớ tới một kho báu chưa từng khám phá. “Quả là một kho báu! Mình đã đi tham quan nhiều nơi, tới nhiều con thác nổi tiếng trong nước, nhưng chưa thấy đâu đẹp như Pạc Sủi” - ông Huy rủ rỉ. Và để minh chứng cho những điều mình nói, ông rủ chúng tôi khám phá “kho báu” Pạc Sủi ngay sớm hôm sau.
< Phút nghỉ chân của đoàn thám hiểm trên đỉnh Trâu Đằm.
Cuối hạ đầu thu, là thời điểm những làng bản vùng núi miền Đông bắt đầu phô diễn dáng vẻ và sắc màu đẹp nhất. Khi mặt trời phía Đông Bắc toả những ánh nắng đầu tiên xuống mặt đất, bước chân của chúng tôi đã đi trên ngọn núi của Khe Và. Làn sương mỏng nhanh chóng tan biến. Những đoá hoa mào gà đỏ như máu cố ngẩng lên đón ánh dương. Thảm ruộng bậc thang màu xanh nhuốm vàng bên kia đồi, dưới nắng tía trông như những bức vẽ vụng dại, vương vãi phẩm màu của đám trẻ chăn trâu.
< Tầng thứ nhất của thác có độ dốc thấp nên lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm.
Có nhiều cách để tới được thác Pạc Sủi. Người thạo đường có thể đi từ Khe Há tới thẳng đỉnh thác rồi cứ thế xuôi xuống, hoặc có thể đi từ Đông Ngũ hay Phong Dụ sang. Chúng tôi chọn con đường đi bộ từ Khe Và (xã Yên Than), vượt qua dãy núi Đỏ theo sự chỉ dẫn của người đồng hành là một “lão thần nông” tên Khang, tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Khang, nguyên cán bộ của huyện mới nghỉ hưu. Cho tới lúc này tôi mới hiểu, tại sao Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy lại gọi ông Khang là “lão thần nông” và nằng nặc mời ông cùng leo Pạc Sủi cho bằng được.
< Từ tầng thứ hai trở lên, dòng nước ào ạt trút xuống từ những bậc đá lớn hơn như những mái tóc của nàng tiên nữ.
Là người Kinh, nhưng “lão” Khang thuộc từng ngả đường mòn, rành từng loài cây cỏ trong những cánh rừng rậm rạp; nói chuyện bằng tiếng Dao với bất kỳ người bản địa nào gặp trên đường; cao hứng, ông còn hát nguyên một làn điệu của người Sán Chỉ... Cứ thế, “lão” Khang “cuốn” chúng tôi vào sâu trong rừng, như đi vào thế giới của những câu chuyện thần thoại, kì bí, mà quên bẵng đi đôi chân thấm mỏi vì leo dốc và cuốc bộ gần 10km đường mòn.
Cuối cùng, thôn Pạc Sủi cũng hiện ra giữa khung cảnh bao la, khoáng đạt, mênh mang của đất trời. Quê hương của cộng đồng dân cư Dao, Sán Chỉ nằm giữa những cánh rừng trùng điệp, rất hiếm khi ánh nắng mặt trời soi đủ bốn bề. Từ dưới thung lũng nhìn lên, hình ảnh của những đỉnh núi cao với những đám mây mang nhiều hình thù quanh năm ôm ấp như một mối gắn bó truyền đời. Và giữa mảnh đất ngút ngàn sương gió ấy là thôn Pạc Sủi, nơi có những nguồn nước trong lành đang bình yên chảy suốt ngày đêm.
< Liên tiếp những tầng thác đẹp.
Pạc Sủi theo tiếng của người Hoa phiên âm là Bạch Thuỷ, nghĩa là nước trắng. Chữ “Bạch” đặt lên trên chữ “Thuỷ” ghép thành chữ “Tuyền” cũng có nghĩa là “Suối”. Đây là chốn quần cư của người Dao và người Sán Chỉ với gần 80 hộ dân, nguồn sống chính của họ là thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Sống giữa thiên nhiên trong vắt, có lẽ vì thế mà con người ở đây cũng thanh khiết, thuần phác đến lạ lùng. Chẳng thế mà khi đứng trước vị lãnh đạo cao nhất huyện, ông Chạn Dì Phúc (Bí thư Chi bộ thôn Pạc Sủi) chẳng có vẻ gì là “cấp dưới”, ngoài sự thân mật chân tình như với bất kỳ một vị khách nào khác.
Bắt đầu từ triền thung, ông Chạn Dì Phúc thay vị trí của “lão” Khang, thành người dẫn đường cho đoàn người đi tìm “kho báu”.
Kho báu giữa núi rừng
< Các tầng thác trên có độ dốc cao, khó đi song lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá thiên nhiên.
Mất nửa giờ xuyên rừng nữa, chúng tôi lên tới được tầng thác đầu tiên của Pạc Sủi (thác gồm tổng cộng 16 tầng). Bao nhiêu mệt mỏi tan biến khi ngâm chân xuống làn nước trong xanh, mát lạnh. Nước suối trong vắt có thể nhìn thấu đáy những viên đá cuội nhiều màu ẩn hiện và những đàn cá thân mỏng đuôi dài, hàng vẩy lưng óng ánh màu sắc lượn dưới nhánh rêu xanh. Gần nơi thác đổ, suối chảy xiết, bọt nước sủi sùng sục tung lên quật ràn rạt vào những phiến đá, nơi mấy người trong đoàn mặc tiếng thác gầm nước réo, vẫn nằm duỗi dài sau mấy tiếng vượt rừng vất vả.
Chưa kịp thoả mãn với mười mấy phút nghỉ ngơi, Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy đã giục chúng tôi khám phá tiếp. Pạc Sủi là một hệ thống nhiều tầng thác lớn nhỏ nối tiếp nhau.
Từ tầng thác đầu tiên, chỉ đi vài chục mét nữa là đến tầng thứ hai. Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu, rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới. Xung quanh cây rừng rậm rạp xanh um. Trên những vách đá là những bộ rễ chằng chịt của những cây cổ thụ. Cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.
Điều kỳ lạ ở Pạc Sủi là, tầng thác trên bao giờ cũng đẹp hơn tầng thác dưới. Chính điều này đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên, đến thôi thúc khám phá tới tầng thác cuối cùng. Xuân Thao, phóng viên trẻ của Đài huyện, luôn là người đi chậm nhất vì phải vác theo chiếc camera và một thân hình khá nặng nề. Khó khăn lắm anh mới qua được những đoạn đường lởm chởm đá tai mèo, những rễ cây, lau lách rậm rạp.
Đường càng đi càng mất hút dấu chân người. Chỉ còn thấy những vách đá dựng ngược chắn ngang lối. Nhiều đoạn không thể bám theo phiến đá mà leo lên được, phải vắt qua đường rừng, đu mình vào rễ cây mà leo lên. Chúng tôi cứ theo hướng mở đường của ông Chạn Dì Phúc mà đi. Càng lên cao sương núi càng âm u, khí núi càng lạnh buốt.
Leo mãi. Vượt qua một dốc đá trơn tuột có hàng cổ thụ đứng như hàng lính canh, đến một triền đá xanh vân trắng trải dài, bên cạnh một hồ nước mà bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn nhảy ùm xuống tắm, nơi bảy nàng tiên nữ giáng trần là đây - “kho báu” cuối cùng mà chúng tôi vừa đặt được chân tới.
Ngồi trên phiến đá của bảy nàng tiên nữ, ông Chạn Dì Phúc liu riu đôi mắt, kể cho chúng tôi nghe về sự tích của con thác trứ danh này: Đây là tầng thác đẹp nhất của Pạc Sủi. Người trong vùng truyền rằng, cứ mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm, bảy nàng tiên nữ lại xuống đây mà đùa vui, du ngoạn phong cảnh.
Vẻ đẹp của tầng thác thực sự cuốn hút giữa núi rừng hoang sơ. Dòng nước trong vắt len lỏi qua những kẽ đá thỉnh thoảng lại đổ xuống ào ào khi gặp những ghềnh đá. Hai bên bờ suối là rừng cây cổ thụ um tùm, chốc chốc lại bay ra những chú bướm đủ màu sắc. Để tỏ lòng kính trọng, người ta lập miếu thờ bảy nàng tiên ngay bên bờ suối, và ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm, dân trong vùng lại lên đây lấy nước uống để có sức khoẻ, dẫn nước nguồn về thôn cho mùa màng tươi tốt...
Nhìn đường chỉ tay theo hướng “chim bay” của người dẫn đường, từ lúc chúng tôi rời tầng thác cao nhất cuốc bộ lên đến đỉnh Ngàu Vó Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) chỉ cách khoảng 3-4km, nhưng cảm giác như đường về dài vô tận. Đoàn người thám hiểm chúng tôi chọn cách vượt thẳng lên đỉnh đồi rồi từ đó đi xuống, thay vì xuôi xuống tầng thác đoạn đường ngắn hơn nhưng vô cùng nguy hiểm. Con đường mòn bám chênh vênh theo sườn núi cao chót vót vắng dấu chân người nên cỏ dại mọc lấn cả lối đi, thi thoảng ông Phúc lại phải dùng con dao quắm phạt ngang để mở lối.
< Trên thác còn có nhiều hồ nước xanh mát, ở đây, bạn có thể ngâm mình dưới những dòng thác, trong bể nước thiên nhiên mát lạnh.
Có lúc men theo đường mòn, có lúc đi xuyên qua cánh rừng, có khi lại đổ đèo thăm thẳm rồi lại băng lên những cửa ải kỳ vĩ, thậm chí có đoạn dốc cao dựng đứng phải… bò, khiến chúng tôi ai nấy đều “thở không ra hơi”. Dù chẳng lạ gì cảnh băng rừng, leo núi, nhưng nhìn lên đỉnh núi mây mù xa vời vợi phía trước mà trong đầu cứ lan mãi viễn cảnh về một bữa trưa có gà đồi, muối ớt…
< Quanh thác, có nhiều rễ cây rủ xuống đong đưa như những chiếc võng, trong đó có cả các loại cây thuốc nam, hoa phong lan tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Trở về từ cõi mây gió mịt mù trên đỉnh núi cao nghìn mét, nhớ lại khung cảnh hùng tráng của Pạc Sủi với ngổn ngang đá, nước mà đầu óc tôi cứ vơ vẩn không yên. Theo lời Bí thư Huyện uỷ, thì đây là một kho báu không của riêng ai. Nó cần được nhiều khách du lịch đặt chân tới, khám phá để mang về cho huyện Tiên Yên những khối “vàng ròng”, mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ như hiện nay. Nhưng nếu cứ để mặc cho gió sương, cỏ dại chen lấn, liệu rằng bao nhiêu năm nữa người đời sẽ biết đến phong cảnh kỳ vĩ, những huyền tích về mảnh đất thuần khiết này?
Thác Pạc Sủi mùa Thu
Du lịch, GO! - Theo Quảng Ninh Online, báo Quảng Ninh và nhiều nguồn ảnh khác.
No comments:
Post a Comment