Sunday, April 21, 2013

Bảy núi bây giờ

Ông Thạch Cha Ra hơn bảy mươi năm qua, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho biết: “Không biết tên gọi Bảy núi có tự bao giờ mà khi lớn lên tôi đã biết, bảy ngọn núi này linh thiêng lắm và có nhiều câu chuyện bí ẩn đến nay chưa giải thích được…”.

< Open new tab để xem ảnh bản đồ lớn.

Theo lời ông kể: Bảy ngọn núi ấy liên hoàn tạo thành hình vòng cung có tên là: núi Nước, núi Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Két, núi Dài, núi Cấm và núi Tượng. Có khá nhiều con đường dẫn vào Bảy núi tuy không rộng lớn nhưng rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều chùa chiền, miếu, mạo của các tôn giáo nằm lẩn khuất dưới những tàng cây Thốt Nốt trải dài theo các tỉnh lộ.

< Núi Ba Thê...

Trước khi tiến vào Bảy núi, đoàn chúng tôi lên núi Ba Thê. Đây được xem là tiền tiêu của Thất Sơn hùng vĩ. Đường khá nguy hiểm, quanh co, trắc trở. Lúc chuẩn bị xuất phát, cư dân cảnh báo: chớ có liều lĩnh chạy lên đỉnh núi bởi đường rất trơn, cánh xe ôm phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên được.

Theo số liệu xưa, núi Ba Thê cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy.

< ... và đường lên núi Ba Thê đây.

Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm: Vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất. Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ là Linh Sơn Cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay. Nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản. Trên núi Ba Thê còn có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Đại đao khổng lồ. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, Chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi….

< Núi Cô Tô, còn có tên gọi là Phụng Hoàng Sơn.

Núi Cô Tô đã thấp thoáng trước mắt. Càng về huyện Tri Tôn, đường càng xấu do có nhiều phương tiện vận chuyển đá từ núi xuôi ngược ngày đêm. Thấp thoáng những sân phơi bong bóng cá tra vốn là đặc sản của miền quê núi này. Ông Dương Văn Ẩn, xã Tân Tuyến kể nhiều câu chuyện thú vị về huyền thoại đồi Tức Dụp trên núi Cô Tô, vốn là căn cứ địa cách mạng trong những ngày chiến tranh ác liệt nay đã thành khu du lịch đầy tiềm năng.

< Đường lên núi Cấm.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường có khá nhiều cây trâm chín tím cành. Đường về thị xã Châu Đốc thật đẹp, phẳng lì, nhiều cây Thốt Nốt mọc san sát hai bên tỉnh lộ, nghe nói có cây đã hàng trăm năm tuổi. Cạnh đó xuất hiện liên tục các ngôi chùa Khơ Me Nam bộ đẹp và trang trọng. Dù là buổi chiều nhưng chúng tôi thấy khá nhiều đoàn du khách tập trung tại chân núi Cấm. Đây là ngọn núi có nhiều sự tích huyền bí hấp dẫn khách đến tham quan. Đội quân xe hon đa ôm chuyên nghiệp chở chúng tôi leo dốc núi dựng đứng rất ngoạn mục.

< Tượng Phật Di lặc cao nhất châu Á trên đỉnh núi Cấm.

Có khá nhiều chùa và đền thờ. Không khí mua bán cũng thật nhộn nhịp men theo đường lên núi. Nhiều du khách đã phải dừng bước do không đủ sức men lên tới đỉnh núi cao. Mùi khói nhang bay ngào ngạt khắp sườn núi.

Dì Nguyễn Thị Kim Loan, người có thâm niên hơn 30 năm bán mắm cá lóc, mắm thái tại núi Cấm cho biết “Tháng giêng, hai và tháng tư, tụi tui bán “dữ trời” lắm, mấy tháng còn lại buôn bán cũng lai rai…”. Dì cho biết thêm chuyện mua bán tại đây đã đi vào nề nếp hơn, có để bảng giá để du khách khỏi bị “chặt chém”….

< Đỉnh Núi Két.

Trong màn đêm, hình tượng con kéc khổng lồ bằng đá đang chót vót trên đỉnh núi Kéc thật lạ lùng, hấp dẫn. Có lẽ tạo hóa đã ban cho An Giang một ngọn núi có hình thù độc đáo mà không đâu có được.

Nhiều người còn thêu dệt nhiều câu chuyện huyền thoại về thần núi Kéc. Qua mấy ngàn năm kiến tạo hình tượng ấy vẫn bền vững cùng thời gian. Xa một chút thị trấn Nhà Bàn luôn đông đúc người và xe đi lại dù trời đang tối dần.

Về Bảy núi xưa và cả hôm nay, đi đâu cũng nghe kể về những câu chuyện kỳ thú về, cọp, beo, rắn, thần tiên, đạo sỹ nhiều phù phép… trong khoảng không gian trầm tích, u ẩn lạ thường. Nhiều người cho rằng khó đâu có được cảnh đẹp thiên nhiên như Bảy núi bởi thiên nhiên đã ban tặng bức tranh quê núi có nhiều mỏm đá hình người, hình vật pha lẫn những cánh đồng xanh mơn mởn. Và chắc không đâu có sự hòa hợp các tôn giáo anh em cùng sinh sống trên vùng đất thiêng biên giới này như : đạo Phật, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên chúa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Mới đây tượng Phật Di lặc cao gần 34 m trên đỉnh núi Cấm, nơi được xem là “nóc nhà” Đông Dương được xác lập kỷ lục châu Á về tượng Phật cao nhất.

Mỗi năm vùng đất Thất Sơn này tổ chức nhiều lễ hội của người Kinh và Khmer. Nói đến Bảy núi là người ta nghĩ ngay đến cây “đặc sản” thốt nốt. Đây cũng là cây thoát nghèo cho nhiều gia đình khi khai thác chế biến chúng thành những loại thức ăn lạ miệng và hấp dẫn. Người dân Bảy núi giờ đây còn phát huy các ngành nghề truyền thống như: nấu đường thốt nốt, dệt thổ cẩm…

< Một góc chùa Phật lớn.

Bảy núi hôm nay hiếm còn hình ảnh những chú ngựa oằn lưng kéo xe ngựa chở khách, thay vào đó là các phương tiện vận tải tiên tiến. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Những trụ điện to đùng sừng sững chạy dài theo các tỉnh lộ. Nhiều ngôi chùa, nơi thờ tự của các tôn giáo được nâng cấp xây mới khang trang. Những con đường thênh thang rộng mở hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang về với vùng đất Thất Sơn huyền bí, linh thiêng.

Du lịch, GO! - Theo Vân Anh (Báo Tin Tức), internet

No comments:

Post a Comment