Friday, April 19, 2013

Đến dinh trấn Thanh Chiêm, Đà Nẵng

Nằm cách TP Đà Nẵng gần 30 km về phía nam và cách phố cổ Hội An chưa đầy 10 km về phía tây, dinh trấn Thanh Chiêm xưa và nay là làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vốn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của xứ Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn.

Quảng Nam với nghĩa là vùng đất rộng lớn ở phương Nam, nơi đây vốn là đất của Chiêm Thành. Đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, dân cư đông đúc. Hàng năm số thuế thu ở Quảng Nam còn hơn cả Thuận Hóa.
Năm Nhâm Dần 1602, Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm và cử hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) làm trấn thủ để cai quản và mở mang bờ cõi về phía nam. Dinh trấn Thanh Chiêm lúc này được các thương nhân nước ngoài biết đến qua cái tên Cac Ciem hay Kẻ Chiêm.

< Dinh trấn Thanh Chiêm  và phố Nhật Bản tại Hội An với hai con đường dài 300 thước và chợ dù Phù Tang đặc trưng. Ảnh trích đoạn từ tranh thế kỷ 17: GIAO CHỈ QUỐC MẬU DỊCH HẢI ĐỒ hiện treo tại một ngôi chùa thành phố Nagoya, Nhật Bản.

Theo nhiều sử sách, vùng đất Thanh Chiêm cũng là nơi các giáo sĩ phương Tây soạn chữ quốc ngữ mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. Trên văn bia đình làng Thanh Chiêm có ghi hai câu đối nói về thời thịnh vượng của dinh trấn Thanh Chiêm khi tàu bè các nước vào cảng Hội An phải về Thanh Chiêm làm thủ tục.

Hai thế kỷ lừng danh, vẻ vang dấu cũ (thế kỷ 17-18); Bốn trăm năm truyền thống, rạng rỡ làng xưa (1602-2007) trở thành niềm tự hào của người dân Thanh Chiêm và Điện Bàn.
Dinh trấn Thanh Chiêm ngày nay không còn nữa nhưng những hình ảnh hiếm hoi còn sót lại và những trang viết về dinh trấn của người đương thời đã minh chứng cho một thời kỳ vàng son của vùng đất Điện Bàn, Hội An, Quảng Nam trong quá trình mở nước của dân tộc.

Đến Thanh Chiêm có thể đi bằng đường bộ theo QL 1A hoặc theo sông Hoài từ Hội An ngược dòng Thu Bồn. Ngày nay, du khách có nhiều cơ hội khám phá, tham quan các làng nghề truyền thống vang tiếng như đúc đồng Phước Kiều, dệt chiếu, làm bánh tráng, làm gốm mỹ nghệ và đặc biệt là thưởng thức món bê thui Cầu Mống hay món mì Phú Chiêm nức tiếng gần - xa.

Làng Thanh Chiêm còn là nơi dừng chân của du khách trên con đường di sản nối liền Hội An và Mỹ Sơn. Đây là tour hành hương rất lý thú, giúp du khách tìm hiểu thêm về đời sống nông thôn và lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống của miền Trung.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Báo Thanh Niên, Blog Ngobadung, ảnh internet

No comments:

Post a Comment