Nhà địa lý nổi tiếng Lê Bá Thảo đã từng đánh giá khối núi đá này rộng đến 10.000 km², nằm vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, nơi có đường biên giới Việt - Lào cắt qua. Phần phía Việt Nam, nơi có di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ chiếm non nửa, phần còn lại thuộc Lào.
Khối núi đá vôi khổng lồ này còn rất hoang sơ, hầu như không có điểm quần cư của con người. Không có đường đi dù là đường mòn. Việc nghiên cứu địa chất hay lâm học chủ yếu được thực hiện trên ảnh hàng không và ảnh vệ tinh. Cũng không có dòng sông hay suối nào lộ mặt, không có mặt bằng nào đáng kể.
Gần chục nghìn kilomét vuông đá tai mèo lởm chởm, chỉ có ven rìa mới xuất hiện các thung lũng suối nhỏ bao quanh bằng những vách dựng dứng. Độ cao trung bình của khối núi này là 800 mét, đôi chỗ nhô lên những ngọn núi cao trên nghìn mét, cao nhất là đỉnh Phu Et Va (1.512m).
Đá vôi của khối núi Kẻ Bàng có tuổi địa chất từ 380 triệu đến 240 triệu năm. Trải qua nhiều biến động địa chất, đá bị gãy vỡ, rạn nứt, tạo điều kiện cho nước xâm thực, hòa tan thành vô vàn dạng địa hình karst: những thung lũng, phễu, giếng, hố karst, những hang động ngầm khô hay có nước đủ loại kích cỡ. Vùng Kẻ Bàng lại có lượng mưa khá lớn, khoảng 3.000 mm mỗi năm. Phần lớn lượng nước này đổ vào các hang động ngầm, mà Phong Nha chỉ là một trong vô số các hang động đó.
Ở gần cửa động Phong Nha, các nhà địa chất đã tìm ra những hóa thạch thực vật thân gỗ, thuộc các nhóm thực vật cạn đầu tiên trong lịch sử trái đất có tên là thực vật Lộ trần (Psylophyta) và thực vật Cây vảy (Lepidophyta).
Những dạng thực vật cạn này cho thấy đã từng tồn tại một lục địa rất cổ mà đá vôi vùng Kẻ Bàng là những thành tạo biển tiến nằm ở ven rìa lục địa này. Có thể thấy dấu ấn của thành tạo ven rìa lục địa đó qua hình ảnh tầng đá vôi dày đến 4.000 mét của khối Kẻ Bàng, giống như một tấm nệm đá khổng lồ, phủ bên trên các đá kiểu cung đảo núi lửa (giống như các quần đảo Nhật Bản hay Philippines ngày nay).
Nhiều nhà khoa học từ lâu cũng đã nghi ngờ rằng mảng lục địa trên là một mảnh vỡ của lục địa Australia, bị trôi giạt về phía bắc. Bằng chứng cho giả thuyết đó là tại vùng Quy Đạt, huyện Minh hóa, Quảng Bình, vào những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một loài động vật Tay cuộn hóa thạch Australia 30 triệu năm tuổi. Đó là loài Veervesia suchana, có quê quán ở vùng Fitzoy phía tây bắc Australia.
Ngoài những giá trị về địa chất, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có các quần thể động, thực vật được bảo tồn khá tốt mà nhiều vùng khác đã ít hay không còn được gặp nữa. Do đặc thù là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, nên ở đây có rất nhiều loài động thực vật lạ, quý hiếm, như sến mật, kim giao, trầm hương, dương xỉ thân gỗ, cu li, bò tót, mèo rừng, cheo cheo Nam Dương…
Một số nơi trong vườn có những khu rừng rộng hàng trăm hecta chỉ thuần một vài loài cây như lát hoa, lát da đồng. Ở đây còn có thể gặp những đàn khỉ vàng hàng trăm con, hay vào mùa sinh sản của rắn, có thể thấy hàng trăm con rắn đen quấn bện vào nhau trong những hốc đá vôi nhỏ hẹp...
Trong một vài buồng đá ở động Phong Nha, còn gặp di tích các miếu thờ thần với những bài văn khắc trên đá bằng chữ Chăm cổ. Đây chắc chắn chưa phải là chứng tích cổ duy nhất của con người ở vùng đất này, bởi vì thế giới hang động ở vùng Kẻ Bàng còn chưa được khám phá hết.
Thắng cảnh nổi tiếng động Phong Nha thực ra gồm hai động: động khô (Lâu đài Vua) và động ướt (Thủy tề Tiên).
Động được đánh giá là có 7 cái nhất: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng và đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969m) và hang khô rộng và đẹp nhất.
Riêng động Phong Nha do một con sông ngầm tạo thành, nhiều đoạn có những hồ nước và bãi bồi rộng lớn. Động chính gồm 14 buồng nối liền bằng một hành lang dài đến 1.500m. Toàn bộ động nằm sâu dưới đỉnh núi 800-900 m.
Du lịch, GO! - Theo Khoa học và Đời sống, ảnh internet
No comments:
Post a Comment