Friday, March 8, 2013

Đàn tế trời đất Tây Sơn

Công trình khu du lịch tâm linh Ấn Sơn là tấm lòng của hậu nhân đối với tiền nhân lưu danh muôn thuở. Có thêm công trình này, Bình Định có thêm một địa chỉ để nhân dân cả nước, du khách gần xa đến thăm viếng, bày tỏ, chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn trường tồn.

< Cổng đàn tế trời.

Nhân kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2012) ngày 13/9/2012, UBND tỉnh Bình Định đã làm lễ dâng hương và chính thức đưa vào hoạt động công trình Đàn tế trời đất tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.

Ấn Sơn nằm trong dãy núi Hoành Sơn cao 364 m nằm ngang theo hướng Bắc – Nam, ở phía Tây xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Theo Quách Tấn, trong “Nước non Bình Định” các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung Hoa đều công nhận cuộc đất Hoành Sơn là đại địa, vì có nào bút (Bút Sơn – Hòn Trưng), nào nghiêng (Hợi Sơn – Hòn Dũng), nào ấn (Ấn Sơn – Hòn Giải), nào kiếm (Kiếm Sơn – Hòn Hóc Lãnh), nào cổ (Cổ Sơn – Hòn Trống), nào chung (Chung Sơn – Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.

Tương truyền mộ của Nguyễn Phi Phúc, thân sinh của Tây Sơn Tam Kiệt an táng ở Hoành Sơn. Sau khi chiếm được long huyệt ở Hoành Sơn thì 3 anh em Nguyễn Nhạc phát tướng, việc học hành võ cũng như văn tiến bộ lạ thường. Thầy học là cụ giáo Hiến, giỏi văn lẫn võ, rành khoa tướng số, nhìn thấy thần sắc 3 anh em họ Nguyễn, biết vận trời đã đến, bèn đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra khuyên Nguyễn Nhạc về lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, 3 anh em về Kiên Thành lo chiêu mộ hào kiệt.

< Đàn tế trời tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.

Cũng theo tương truyền, vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn cũng là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn, thống nhất sơn hà, quét sạch ngoại xâm, “dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi dài xuân”, Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây để nhận ấn kiếm và cầu trời đất phù hộ cho đại nghiệp thành công.

< Áng thờ Trời - Đất tại Đàn tế Trời - Đất trên Ấn Sơn.

Tháng 11.2011, công trình Đàn tế trời đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn được khởi công xây dựng. Công trình gồm các hạng mục: Đàn tế Trời Đất, Đền Ấn và các công trình phụ trợ, được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc, trên khu đất rộng 46 ha, do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ.

Đàn tế trời tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng, tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27 m, tượng trưng cho Trời, được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu đỏ bao quanh, nền đất nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc, chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang áng đá là áng thờ Trời – Đất.

Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54 m, tượng trưng cho Đất, cũng được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, mỗi lối lên có 9 bậc, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…

< Tam quan phía nam, cổng chính của Đàn tế Trời - Đất trên Ấn Sơn.

Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ. Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao.

Nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Phía trước cổng Tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt vừa tạo phong thủy tốt cho hướng chính diện của Đàn tế vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể qui hoạch Đàn thiêng. Ngoài hồ nước còn có một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.

Đàn tế Ấn Sơn được xây dựng theo kiểu thức Đàn thiêng tế trời, có nhiều tên gọi khác nhau: Đàn Nam Giao, Thái Giao, Giao Đàn, Giao Khâu, Viên Khâu, Thiên Đàn… Ở Việt Nam, dưới triều vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), vào năm 1154 triều đình đã cho đắp Đàn Viên Khâu và đích thân nhà vua lên làm lễ tế Trời.

Từ đó về sau, triều nào cũng lập Đàn Nam Giao, với quy mô và quy định khác nhau, có triều quy định mỗi năm Tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch, có triều quy định 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng ở Việt Nam vào thời Nguyễn, diễn ra dưới triều vua Bảo Đại (3.1945). Tế Giao là một lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.

Đàn tế trời đất Tây Sơn được khánh thánh đúng dịp kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tạo thêm một điểm nhấn hấp dẫn trên trục du lịch lịch sử tâm linh về phong trào Tây Sơn dọc theo Quốc lộ 19 gồm Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời Tây Sơn, những đền thờ nghĩa quân Tây Sơn ở An Khê –Gia Lai.

Du lịch, GO! - Theo Văn hiến Việt Nam và nhiều nguồn tin ảnh khác

No comments:

Post a Comment