Tuesday, March 26, 2013

Đi bụi trên đảo vắng

Tôi đến Sơn Chà, hòn đảo nhỏ nằm giữa vùng biển Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế để thử cảm giác đi bụi trên đảo vắng, tận hưởng thiên nhiên với những bờ đá nối dài, những dải cát trắng mịn, những trảng rừng xanh thẳm, hoang sơ.

Ban đầu, khi nghe bạn đường rủ đi Sơn Chà, tôi lập tức nghĩ ngay đến bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng và nghĩ bạn phát âm sai. Tôi không phải người duy nhất nhầm lẫn. Thực tế, Sơn Chà là một hòn đảo nhỏ, chỉ chừng 1,5km2 với chu vi 4km thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nổi lên giữa biển khơi, nhìn xa trông tựa như một chiếc chảo úp ngược nên hòn đảo cao 235 mét so với mặt nước biển và rộng chừng 60 ngàn mét vuông này được dân gian gọi tên là Hòn Chảo.

Xưa, đây là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tưởng nhớ đến công lao của Huyền Trân Công chúa với cuộc tình lịch sử đã bổ sung cho giang sơn Tổ quốc thêm Thuận Châu, Hoá Châu và “thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân, vua Trần cho gọi là đảo Huyền Trân. Để rồi, mấy trăm năm sau, người anh hùng áo vải Quang Trung, sau khi tung hoành dọc ngang đất nước, một lần dạo chơi qua đây, đã cảm kích bởi sông nước hữu tình quá đẹp mà gọi đó là đảo Ngọc. Thời đầu, nhà Nguyễn gọi là cù lao Hàn. Đến thời vua Minh Mạng ban tặng cho hòn đảo cái tên Ngự Hải Đài. Bước sang thời Pháp thuộc là cái tên Sơn Chà, còn lại cho đến bây giờ.

< Tàu ngư dân chở ra đảo Sơn Chà.

Hiếm có vùng đất nào lại có nhiều tên gọi như thế. Nó là sự thể hiện cái nhìn của người đời qua bao thế hệ về hòn đảo nhỏ này, vừa mang dấu ấn và những biểu tượng lịch sử về một thời mở cõi, vừa thể hiện cái dáng hình ấn tượng kỳ lạ, địa thế khó nơi nào có được và cũng cho thấy sự hấp dẫn và vẻ đẹp khiến lòng người mê hoặc mà đất trời dành riêng cho đảo Ngọc- Sơn Chà, được hình thành từ phần kéo dài ra biển của dãy núi Hải Vân, một nhánh đâm ngang ra biển của dãy Trường Sơn để rồi từ đó hình thành nên 2 phần là Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, với 2 vùng tiết trời xa lạ.

Chúng tôi nhìn thấy đảo, nhỏ bé nhưng xanh thẳm, sau một tiếng rưỡi đồng hồ lênh đênh trên biển. Thuyền cập bến, thật thú vị khi được bước chân trên dải cát trắng mịn màng, nhìn ngắm những dải đá nhấp nhô nhiều hình khối và những trảng rừng xanh mướt.

Sơn Chà vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ vốn có. Ngoài chiếc cầu tàu và vài chiếc thang gỗ bắc qua các mỏm đá của một dự án đầu tư dang dở, đảo không có bất kỳ dịch vụ du lịch nào. Trên đảo, có lực lượng bộ đội biên phòng của Trạm kiểm soát biên phòng đảo Sơn Chà thuộc Đồn biên phòng Lăng Cô và các nhân viên của Trạm đèn biển Sơn Chà.

Đây là cây đèn biển vào dạng trẻ nhất Việt Nam, mới xây dựng năm 2007. Trạm kiểm soát biên phòng Sơn Chà nằm ở lưng chừng đảo, còn trạm đèn biển tít trên đỉnh núi. Ở đảo, các anh bộ đội tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn nhiều chất đạm từ nguồn thực phẩm của biển. Các anh nhân viên canh đèn biển thì hứng nước mưa để dùng dần. Chúng tôi được các anh bộ đội mời ăn cơm, bữa cơm với ốc, cá bắt từ biển và canh rau dại xen rau trồng nấu với cua đá bắt được đêm trước.

Giữa đảo vắng, chúng tôi được thỏa sức vẫy vùng trong làn nước trong xanh, phơi mình dưới nắng hay theo chân anh Thắng, trạm trưởng trạm biên phòng đi thả lưới, giăng câu bắt ốc, cá, tìm cảm giác của Robinson thuở nào. Khi đã ngán cái nắng chói chang, chúng tôi theo con đường mòn với hàng trăm bậc thang dốc ngược nằm giữa những tán cây để lên cây đèn biển. Đoạn đường thử thách sự dẻo dai, bền bỉ của người leo.

< Phút văn nghệ của người lính đảo.

Đứng ở nơi cao nhất này, tôi chắc chắn bạn cũng như tôi, sẽ vỡ òa trong niềm vui sướng khi trước mặt là biển trời bao la và thuyền bè chỉ là nét chấm phá, điểm xuyết bé nhỏ. Để rồi, ở nơi đỉnh cao của vùng đất biển khơi, phóng tầm nhìn về tứ phía mà cảm nhận sự bao la, vô tận của biển khơi với điểm dừng nơi gần hơn là Lăng Cô và xa hơn tý nữa là Chân Mây; cảm nhận màu xanh ngút ngàn của núi rừng hùng vĩ Trường Sơn, nơi có một “nàng tiên” Bạch Mã với vẻ đẹp xao động lòng người. Còn nữa, không xa là thành phố bên sông Hàn thấp thoáng.


< Một trong rất nhiều bãi đá đẹp trên đảo.

Lại phải cảm ơn thêm một con người nữa, ấy là vị vua Minh Mạng nổi tiếng với tài trị nước, đã ban cho hòn đảo tên gọi Ngự Hải Đài, hiểu nghĩa là đài canh, là vọng gác trên biển. Nó như một bổ sung về một giá trị thực tiễn to lớn đổi với hòn đảo nhỏ này.

Buổi tối, chúng tôi được các anh biên phòng cho hai lựa chọn: một là cắm lều ngủ dưới bãi cát, hai là ngủ ở một trong những căn phòng của trạm. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin ngủ nhờ ở trạm, nhưng trước đó thì thả bộ dưới bãi cát, tận hưởng mùi biển nồng nàn cùng ánh trăng vằng vặc. Trên đảo, điện được tạo ra từ máy nổ. Để tiết kiệm dầu, máy chỉ chạy vài tiếng đầu tối. Sau đó thì tất cả chìm vào bóng đêm, chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng sóng biển vỗ vào bờ ầm ào.

Sau giấc ngủ say, chúng tôi tận hưởng buổi sáng bình yên, lặng lẽ của đảo. Từ ngôi nhà của trạm biên phòng, phóng tầm mắt ra xa, biển mờ ảo, tinh khôi trong sương sớm. Những ngư dân đã bắt đầu một ngày làm việc mới. Theo lời anh Thắng, “lộc biển” ngày càng cạn nên đời sống của họ cũng khó khăn hơn. Vậy nhưng, chiếc thuyền của các gia đình ngư dân kia vẫn chưa bao giờ vắng mặt, trừ những ngày biển động. Cuộc sống tiếp diễn như nó vốn thế...

Chúng tôi rời đảo, trở về đất liền, trở lại với những lo toan thường nhật và tự hứa với lòng, nếu có dịp, sẽ trở lại Sơn Chà, tìm cho mình chút bình yên từ sóng, từ cát và từ những con người bình dị...

Mặc dầu chỉ cách mũi Khẻm - điểm nhô ra gần nhất của đèo Hải Vân chưa đầy 1km, nhưng muốn đến được đảo chỉ phải đi bằng ca nô hoặc tàu biển (mất hơn nửa giờ đồng hồ) hay thuê thuyền thúng, thuyền máy của dân chài. Ca nô của Đồn Biên phòng 236 Lăng Cô và tàu tuần tiễu của Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh.

Hoang sơ Hòn Chảo

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phunuonline, Báo Thừa Thiên - Huế, internet

No comments:

Post a Comment