Friday, March 22, 2013

Tìm về cội nguồn với hội đền Cuông

Hàng năm, vào mùa xuân (từ ngày 12 đến 15-2 âm lịch), đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lại nô nức về đền Cuông trẩy hội, tưởng nhớ công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã có công cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu, giành độc lập tự do cho dân tộc. Mở đầu cho trang sử vàng truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán – sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương.

Sau đó, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên).

Dưới thời An Dương Vương, đất nước ta phát triển về nhiều mặt, đặc biệt có bước tiến mới trong sản xuất lúa nước và quốc phòng. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa xoáy hình trôn ốc, ngoài thành là con sông Đào nối các nhánh sông Hồng ngày đêm thuyền chiến tuần tra nghiêm ngặt.

Lúc bấy giờ, ở phương Bắc, cha con Triệu Đà không khuất phục nhà nước phong kiến Trung Quốc và nổi dậy cát cứ xưng vương ở phía Đông Nam. Với âm mưu bành trướng mở mang bờ cõi, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc. Nhưng An Dương Vương có thành cao, hào sâu, có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí lợi hại nên đã nhiều lần đánh tan quân xâm lược Triệu Đà. Không thể chiến thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã gian xảo dùng kế mưu hoà, kết tình thông gia và cho con trai là Trọng Thuỷ lấy công chúa Mỵ Châu chờ thời cơ thôn tính Âu Lạc. An Dương Vương có ngờ đâu chính tình yêu đôi lứa của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thủ đoạn đê hèn của Triệu Đà dẫn đến quốc hoạ khôn lường cho Âu Lạc.

Năm 208 trước công nguyên, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập đền thờ ở đỉnh núi Mộ Dạ và hằng năm tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự.

Nhớ đền Cuông là nhớ về cội nguồn, về thời kỳ lịch sử xa xưa hào hùng của dân tộc cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về "Thánh hiển linh"; "Núi Đầu Cân"; "Bàn Cờ Tiên"; "Lời thề hóa đá"; "Tổ sư nghề rèn"...

Lễ hội đền Cuông đã trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân Diễn Châu và du khách thập phương. Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 đến 15-2 âm lịch, các hoạt động lễ hội lại diễn ra.

Về với lễ hội đền Cuông, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính trước anh linh của Thục An Dương Vương và các vị thần linh mang đậm đà bản sắc dân tộc của đất Diễn Châu, mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: chọi gà, đu quay, kéo co, trò chơi u...

Lễ hội đền Cuông còn là dịp để du khách thăm Cửa Hiền- Hồ Xuân Dương, khu du lịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - hồ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Đến với các di tích danh thắng trên địa bàn Diễn Châu, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để rồi cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Du lịch, GO! - Theo Tuổi Trẻ, ảnh internet

No comments:

Post a Comment