Sunday, March 17, 2013

Mùa xuân và nét nguyên sơ ở bản H’rê

huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có đến 90% là đồng bào H’rê. 
Nhưng bây giờ, muốn tìm một bản làng có nhà sàn đẹp, còn mang đậm nét nguyên sơ của người dân tộc thiểu số H’rê để nghe họ gõ túc chiêng, hay nghe các điệu kà lêu, kà choi thì nên về xã Ba Nam, cách huyện lỵ Ba Tơ 40km, giáp huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

< Một góc thôn Làng Dút.

Mùa xuân, dòng suối Lếch nước trong xanh. Phía trên dòng suối là thôn Làng Dút 1 gồm 45 hộ, với trên 200 nhân khẩu cư trú, chỉ toàn là những ngôi nhà sàn, có cột làm bằng gỗ ké, sàn bằng gỗ lim và vách là gỗ chò.

Giữ cho dòng suối trong xanh

Đưa tay chỉ chiếc cột nhà bằng gỗ ké có đường kính hơn một vòng tay ôm, ông trưởng thôn Phạm Văn Hải nói, hồi đó, Ba Nam có những cánh rừng lim, chò cao ngút tầm mắt. Nhưng để giữ cho con suối trong xanh, theo lệ của làng, hộ dân nào muốn chặt cây gỗ để làm nhà, thì họ phải xin phép các già làng, chọn những cây gỗ lớn nằm trong khu vực cho phép mới được khai thác, chứ không được chặt phá tràn lan.

Sau khi được các già làng đồng thuận, chủ hộ về bày lễ cúng Giàng rồi mới nhờ bà con cùng vào núi khai thác gỗ. Cây gỗ ké – mối mọt đục không thủng, nắng mưa không mục – được người H’rê chọn để làm cột cái chống đỡ nhà sàn. Muốn làm cột, đồng bào phải đốn hạ và để giữa trời cho nắng mưa làm bong tróc vỏ, sau đó, họ mới lấy lõi cây khiêng về. Còn cây lim, cây gõ, sau khi đốn hạ, cưa xẻ xong chuyển về nhà cũng để cả năm trời, họ mới đem làm ván sàn, vách gỗ.

Khi bước vào những ngôi nhà sàn của người dân tộc H’rê ở xã Ba Nam, ai cũng có thể cảm nhận một không khí mát rượi vào những buổi trưa hè và thật ấm áp trong những ngày mùa đông giá rét. Tại nơi đây, có những ngôi nhà “tam đại đồng đường”, người H’rê cho ngăn ra, mà khi đứng phía ngoài nhìn, ai cũng có thể phân biệt bằng những cửa sổ ngay bên hông nhà sàn.

Tuy nhiên, chừng mười năm trước, khi con đường từ thị trấn Ba Tơ về Ba Nam được mở, thanh niên người dân tộc thiểu số có dịp tiếp xúc, làm ăn với người Kinh, nên họ muốn làm nhà trệt, mái lợp ngói. Nhưng rồi, với cái giá lạnh buốt xương của miền rừng núi, cộng với sinh hoạt bất tiện, nên sau khi suy đi tính lại, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã từ bỏ ý định làm nhà trệt, mái ngói như người Kinh.

Trong khi đó, theo tháng năm, những ngôi nhà sàn của người H’rê với những cây cột gỗ ké, ván sàn bằng gỗ lim, vách bằng gỗ chò đã lên nước, ngày càng trở nên bóng láng. “Ở làng, có lúc, có những người Kinh giàu có, họ lên đây tìm mua cả xác nhà sàn, rồi họ thuê cả chủ nhà cùng người dân trong thôn xuống dưới xuôi để dựng lại nhà sàn trong vườn nhà của họ. Nhiều người ra giá cho một nhà sàn trên trăm triệu đồng, nhưng bà con mình do sinh ra, lớn lên từ nếp nhà sàn, nên họ không chịu mua bán gì đâu”, già làng Phạm Văn Măng nói giọng tự hào.

Nên bảo tồn nhà sàn của đồng bào H’Rê

Theo phó chủ tịch UBND xã Ba Nam, ông Nguyễn Duy Minh Phụng, những năm gần đây, xã vận động đồng bào H’rê thực hiện chủ trương vui xuân đón tết phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm; không được đón tết kéo dài làm ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Trước tình trạng các ngôi nhà sàn đang mất dần trên nhiều bản vùng cao, xã chủ trương vận động đồng bào gìn giữ nề nếp ở nhà sàn và xã có kế hoạch kiến nghị cấp trên nên cho bảo tồn nhà sàn, cùng các làn điệu dân ca của đồng bào H’rê ở xã Ba Nam.

Không như người Kinh cùng nhau đón tết, người H’rê ở Ba Nam lại đón tết theo từng bản. Khi bản này tổ chức đón tết thì họ mời sui gia, người thân ở các bản khác đến dự, sau đó, bản khác tổ chức đón tết thì bản này lại kéo nhau sang. Theo già làng Phạm Văn Huyền ở bản Xà Ây, xã Ba Nam, để đón tết, từ đầu năm trước, mỗi hộ đều chọn con chua (con heo) nuôi cho thật lớn để tết giết thịt làm món cúng Giàng.

Nhấp chén nước chè tươi, già làng Phạm Văn Tành kể: “Đồng bào mình trước đây một năm đón hai cái tết: tết Đeang’Yoh vào tháng 7 âm lịch, tết này họ cúng heo, gà, nhưng chỉ dừng lại ở từng gia đình, chứ không mời khách. Còn tết quan trọng nhất là tết deng kân – tức tết ngã rạ mừng mùa lúa mới vào tháng 3 âm lịch. Ngày tết của người H’rê, nhà nhà cúng Giàng, cúng thần linh, thần nước, cúng con trâu, bà con uống rượu cần và hát múa những điệu hát truyền thống”.

Trước ngày tết một tháng, cánh trai tráng trong làng kéo nhau vào rừng tìm rễ cây loangblo đem về cùng với củ gừng, củ riềng đem cắt nhỏ trộn bột nếp ủ thành men; sau đó, họ chọn loại nếp rẫy dẻo quánh, có mùi thơm đem nấu, rồi ngâm ủ cho lên men thành rượu cần Ba Nam (nổi tiếng khắp vùng tây Quảng Ngãi). Sau đó, họ tổ chức săn nhím, săn chồn lấy thịt phơi khô để lên giàn bếp. Đến ngày giáp tết, bà con lại ra suối bắt cá niêng, vào rừng hái măng, bắt con chuột lách để cho bữa cơm ngày tết được thêm thịnh soạn.

Tết của người H’rê diễn ra trong ba ngày. Trong đêm tết đầu tiên, giữa đêm khuya, nhà nhà tổ chức lễ vô lá, tức lễ cúng Giàng, vật cúng là nắm cơm, nắm muối và một quả trứng gà. Sau lễ cúng, những người mẹ, người vợ, những cô gái bắt đầu gói bánh ga gu – loại bánh nếp lá dong không nhân, rồi nấu để sáng sớm ra, họ vớt bánh làm lễ vật cúng thần nước và cúng con trâu.

Ông Phạm Văn Tành, cho biết: “Với đồng bào H’rê, nguồn nước là nơi nữ thần Va Da ngự trị, là nơi giữ hồn người, giữ gia tài, súc vật của bản làng. Đồng bào cúng thần nước là để tri ân nguồn nước đã giúp cho người dân bản cấy cày, gieo hạt trên nương, có được sự no đủ, đồng thời, họ mời thần nước về cùng ăn tết với dân bản”. Sau lễ cúng thần nước, nhà nhà cúng rước ông bà cùng về đón tết. Nghi lễ cũng có rượu cần, có bánh ga gu và đầu heo.

Tiếp theo lễ cúng thần nước, cúng rước ông bà, người H’rê lại cúng chuồng trâu (gọi là quay ca pơ) với những lễ vật gồm: gà, bánh ga gu và rượu trắng. “Người H’rê quý con trâu lắm! Nhờ có con trâu cày bừa, đồng bào làm ra lúa gạo, nên đồng bào làm lễ vật cúng thần linh phù hộ cho con trâu khoẻ mạnh, để giúp mình cày cấy”, ông Tành nói.

“Không say không về”

Trong ngày tết thứ hai, sau khi cúng thần nước, cúng trâu, người làng thường gõ túc chiêng, vỗ ra vút bằng ống lồ ô để báo mùa xuân đã về, hay họ hát điệu kà lêu, kà choi. Khi vỗ đàn ra vút, một người dùng tay bịt đầu ống để nén âm, một người giữ ống lồ ô, còn một người dùng tay để vỗ. Những tiếng chiêng, tiếng ra vút, tiếng hát điệu kà lêu (điệu hát kể về thần linh, về người anh hùng của cộng đồng), tiếng hát điệu kà choi (tức hát đối đáp với giai điệu rất mượt mà, tình cảm với những đề tài tình yêu quê hương, lứa đôi) cùng hoà âm, vang vọng khắp bản thôn, ngân vang cả núi rừng.

Sau khi hát múa, những thanh niên lại sà vào những mâm cơm được dọn sẵn gồm: cơm nếp, thịt kho, canh rau dớn nấu ốc đá, thịt luộc, bánh ga gu, rượu cần, cá niêng nướng chấm muối ớt, đặt ở giữa giữa sàn để họ cùng nhau chia sẻ. Họ ăn món cá niêng chấm muối béo ngậy, món bánh ga gu dẻo quánh, cùng nếm với rượu cần Ba Nam nổi tiếng thơm lừng, thế rồi, tất cả họ cùng ngất ngây...

Rồi đêm xuống, trong tiết trời lành lạnh, cánh thanh niên lại chất củi ngoài sân đốt lửa, lại tiếp tục hát múa, họ gõ túc chiêng và uống rượu cần cho đến ngày thứ ba, người dân trong bản mới chấm dứt cuộc vui và chủ nhà này lại đến thăm chúc tụng nhau. Do người H’rê vốn hiếu khách, nên sau khi chếnh choáng men say, họ vẫn cứ vít cần rượu bảo nhau cùng uống thêm chén nữa. Bởi lẽ, theo họ, khi vui thì phải uống cho say; nếu không say, thì không về; mà đã say thì sao còn tìm được lối mà về nữa.

Du lịch, GO! - Theo Cẩm Thư (SGTT), ảnh internet

No comments:

Post a Comment