Nhà văn Chu Văn từng bảo rằng nghề làm phở phát tích từ thôn Rao Cù huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định; hỏi các ông chủ tiệm phở ở Sài Gòn ở cả Vientian (Lào)… thì y như rằng cứ mười ông có chín ông gốc quê Nam Định!
Bây giờ thì khắp các nơi, Hà Nội, Hải Phòng… đâu đâu cũng nhan nhản những biển hàng “Phở gia truyền Nam Định”. Nhưng Nam Định có thật là quê hương của phở không thì lại là chuyện khác.
Dân nghiện phở ở Nam Định than phiền là phở Hà Nội không ra gì. Còn người Hà Nội lỡ có một lần ăn phở ở bến ôtô hay nhà ga Nam Định thì mang ấn tượng xấu mãi.
Ở Nam Định có hai hàng phở cùng có tên là Đán. Một Đán gầy, một Đán béo. Lần đầu tiên đến cái hàng phở nằm ở bên ngách chợ Rồng, tôi lấy làm ngờ cái danh tiếng của ông Đán gầy này.
Có độc hai cái bàn dành cho khách, vài cái ghế, một cái bếp lò chỉ như những cái bếp lò vẫn sử dụng cho một gia đình, cái xoong đặt trên bếp cũng vậy. Hai ông bà già dáng chừng như cán bộ công nhân về hưu mới mở ra cái việc phục vụ ăn uống này để thêm tiền chi tiêu, lúc rờ cái thớt, lúc mó con dao, trông thấy cũng đủ sốt ruột.
Khách khứa chả có ai, chỉ có tôi và một anh bạn, thế mà từ lúc chúng tôi ngồi yên vị đến lúc có được một bát phở đặt trước mặt cũng phải mất đến mười lăm phút.
Những lần khác đến ăn, dù có năm bảy người khách ông cũng vẫn chỉ làm với tốc độ ấy thôi. Có khách đến mới thái bánh. Ông gỡ nhẹ tay từng tấm bánh một đặt xếp lên thớt, dao đưa cũng từng nhát một, nhát một, thái vừa đủ cho một bát hoặc đến hai bát là cùng. Xếp phở vào bát xong ông mới cầm đến miếng thịt treo trên móc.
Ông cho nó lên thớt, xoay mãi, ngắm mãi rồi mới hạ từng nhát dao. Thịt thái ra cũng chỉ vừa đủ cho từ một, hai bát. Những lát thịt mỏng, đúng thớ, đều tăm tắp lần lượt được xếp vào trong bát. Rồi rau thơm, rồi nước dùng, rồi đưa tới khách ăn.
Trong lòng bát men sứ trắng như lòng trắng trứng, những sợi phở trắng mềm như lụa, nước trong vắt, nếm thấy ngọt khắp khoang miệng, vài lát thịt nổi vân lên như thớ gỗ nằm hờ hững như một kẻ sĩ thời Đông Chu. Rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh, khách ăn cho thêm một hai lát ớt tươi đỏ thắm vào nữa…
Ăn phở phải ăn với chanh tươi, ớt tươi. Bên trong bát phở là một sự tập hợp hài hòa các màu nguyên, vị nguyên – bất cứ một thứ gì trong đó bị ngả màu là làm hỏng vẻ đẹp, cái ngon của bát phở.
---------
Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với “ngón” phở bò gia truyền và trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ và đặc trưng riêng không thể lẫn với phở của vùng khác.
Vào những năm 1955-1956, người dân ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực (cách TP Nam Định 14km) đã có phở gánh hay phở xe tới những phố phường của Hà Nội và chiếm được lòng tin của khách hàng. Phở bò Nam Định có nguồn gốc từ mảnh đất họ Cồ, làng Giao Cù với kinh nghiệm làm bánh phở lâu năm.
Phở bò Nam Định cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị nhưng đặc biệt ở chỗ bánh phở Cồ sợi nhỏ ngon, mềm không khô cứng và nồng như ở nơi khác. Bánh phở Giao Cù được làm từ gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi nên trắng, dai và thơm nục. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt ra ngay ăn mềm vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Có người nói “nước trong, bánh dẻo, thịt mềm…ắt là phở ngon”.
Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…
Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào. Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.
Trong lòng bát men sứ trắng tinh những sợi phở trắng mềm như lụa cùng vài miếng thịt bò thái mỏng, nhúng thêm cọng hành lá và ít rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh chan chút nước dùng trong vắt là du khách có thể thưởng thức ngay món phở “gia truyền” mà chỉ ở Thành Nam mới có hương vị ngon ngọt của xương ấy. Du khách có thể thưởng thức phở bò tại những quán nổi tiếng ngon trên đất Thành Nam như phở Đán ở phố Hai Bà Trưng và phở Quảng Nguyên ở phố Hàng Thao – TP Nam Định…
Du lịch, GO! - Theo Doanh nhân SG cuối tuần, Dulichnamdinh + internet
No comments:
Post a Comment