Gia Luận - một xã nằm tại cực Bắc trên đảo Cát Bà, tiếp giáp với vịnh Hạ Long, là nơi có bến phà nối với đảo Tuần Châu (Quảng Ninh). Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, đi dọc theo đường xuyên đảo khoảng 20km, du khách sẽ đến một nơi với núi non hùng vĩ, không khí trong lành và thưởng thức sản phẩm đặc sản của một vùng quê.
Đến với Gia Luận, chúng ta không thể bỏ qua một địa chỉ du lịch hấp dẫn: động Hoa Cương, nằm ở dãy núi phía Đông Bắc nơi cư trú của cộng đồng dân cư. Động có nhiều thạch nhũ với hình khối như những công trình điêu khắc tuyệt vời của tạo hóa. Bên dưới nền động có hồ nước nhỏ càng tăng thêm sự huyền ảo khi có luồng ánh sáng đi qua…
Điều đặc biệt hơn cả là tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện chiếc răng hóa thạch của người vượn cổ có niên đại cách ngày nay hàng chục vạn năm. Sự phát hiện này là một minh chứng về sự tồn tại của người vượn cổ trên đảo Cát Bà.
Ở Động Đá Hoa, mỗi hình hài nhũ đá đều gắn với một truyền thuyết do người dân Gia Luận tưởng tượng và lưu giữ. Đi qua một nối nhỏ rậm rạp cây leo, du khách đến một cửa động rất lớn hình cách cung. Bước vào cửa hang là một khoảng không rộng, tĩnh lặng, vách đá tỏa ra hơi mát khiến du khách thấy dễ chịu hẳn lên. Phía bên phải hang là một bức nhũ đá khổng lồ mềm mại như bức màn rủ.
Theo truyền thuyết nơi này có khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình nên Vua cùng các Hoàng Tử, Công chúa thường xuyên xuống dạo chơi và lưu lại Động Đá Hoa. Qua bức rèm là tới cung Công Chúa. Trước cung có hai con sư tử hộ vệ. Trong cung Nàng Công Chúa đang nằm ru con trên chiếc giườn rất đẹp. Cạnh Giường Công chúa là Giường Tiên nữ, nhỏ xinh ẩn bên trong. Ánh sáng huyền ảo làm nhũ đá có mầu sắc lấp lánh. Đi sâu phía trong là tượng hai Ông Bụt bằng đá.
Người dân ở đây nói rằng Phật Bà Quan Âm đã cử hai Ông Bụt xuống trần gian răn dạy mọi người sống thiện. Động Đá Hoa càng trở nên sinh động khi ta gặp giữa lòng Động là một Hồ nước – Hồ trong vắt, mát ngọt, nhìn thấy rõ đáy với vô vàn cuội trắng. Người Gia Luận cho rằng con gái vùng này có nước da trắng ngần là do tắm nước Hồ này.
Một chiếc du thuyền của Hoàng Tử bằng nhũ đá nổi trên mặt nước làm quang cảnh hồ thêm thơ mộng. Xuôi theo thuyền Hoàng Tử, du khách sẽ tự nhiên bước xuống Thủy Cung. Một cái hố đen ngòm, sâu thẳm dưới chân đầy huyền bí. Qua một ngách Thủy Cung, du khách trèo lên Thiên Đàng, ngước thấy trời cao bao la, mây trắng xốp bay qua. Xuống Hang Nhảy, luồn vào 1 ngách hang nữa ta sẽ đột ngột thấy cửa Thiên Đình. Tòa Thiên Đình hiện ra trước mắt như một bức vẽ bằng đá.
Điện Tế Trời nguy nga tráng lệ, vô khối con trăn đất bằng đá đen khổng lồ ngoằn ngèo dưới chân du khách. Trụ Chống Trời tôn vẻ uy nghiêm của thế giới thần linh. Nàng công chúa trong xiêm y trắng thắt đáy lưng ong đứng bên trái Điện. Bên phải là nàng là cánh chim công khổng lồ xòe rộng khiến cho cảnh nhà trời càng thêm tôn nghiêm kỳ vĩ. Xung quanh vách Điện Tế Trời là hình ảnh Tề Thiên Đại Thánh, Đao, Kiếm, Trăn đất, Tắc kè… đây là thế lực nhà trời trong tưởng tượng của người dân Gia Luận.
Đến Động Đá Hoa du khách sẽ thấy thích thú vẻ huyền bí, thả hồn theo trí tưởng tượng của thế giới thần linh. Động Đá Hoa còn có vóc dáng nguyên sơ, cần khai thác, bảo vệ để trở thành địa danh du lịch hấp dẫn trên Đảo Cát Bà. Với vị trí, địa lý rất thuận lợi và hệ thống giao thông thuận tiện, động Hoa Cương đang là một địa chỉ lý tưởng đối với những du khách ham hiểu biết về du lịch khảo cổ học.
Cùng với cảnh quan tuyệt đẹp là sản vật của núi rừng, có lẽ do điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng của Gia Luận đã tạo ra một loại cam không giống bất cứ vùng miền nào, Cam giấy - với vỏ mỏng và vị ngon ngọt, thêm một chút vị chua đã tạo nên vị đặc trưng riêng biệt.
Du khách đến tham quan vào tháng 9, 10 hàng năm sẽ gặp một màu rực đỏ trong nắng của những vườn cam chín mùa. Du lịch Gia Luận, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất của người dân, hòa cùng cuộc sống và sinh hoạt để tìm hiểu nét văn hóa bản địa cũng như những phong tục, tập quán của người dân, tạo sự hứng thú cho mỗi du khách.
Du lịch, GO! - Theo Cổng thông tin TP Hải Phòng, ảnh internet
No comments:
Post a Comment