Sông Ròn chảy qua các xã vùng bắc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình mang lại bao nhiêu là của ngon vật lạ, trong đó có con sò huyết.
1. Người dân vùng Ròn tin rằng, trời đã ban cho vùng đất này một thế núi hình sông tuyệt đẹp, họ hay dùng cụm từ sông Loan núi Phượng để tự hào về quê hương mình. Núi Phượng nằm trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ đâm ra biển, án ngữ trên hành trình thiên lý Bắc Nam.
Dương Văn An đã miêu tả: “Núi Hoành Sơn ở Châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu, tiếp giáp với Nghệ An. Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận (cứ 8 thước là 1 nhận) nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”.
Tuy nhiên, ít ai biết ngọn nguồn con sò huyết ở sông Ròn. Trong Ô châu cận lục không thấy nhắc đến sò huyết, chỉ nói vùng cửa biển Di Luân có nhiều ngao, cua, cá, mắm muối, tôm hùm. Cho đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì sò huyết mới xuất hiện. Sách có đoạn: “Cửa biển châu Bắc Bố chính xưa không có sò. Từ thời Hiền quận công Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ, sai ba chiếc thuyền ra Quảng Yên, giáp với Khâm Châu lấy về bỏ ở cửa biển Di Luân (cửa Ròn), đến nay xứ ấy mới có sò”.
Dù lý do thế nào thì sò huyết sông Ròn cũng quá nổi danh, là của quý đối với người vùng Ròn. Trên một trang cá nhân, Trần Lý Minh viết: “Ngày trước, chúng tôi đi mò cua, cá đụng phải sò thì bắt luôn. Theo quy định của hội mò sò, mỗi thợ mò dành ra năm con sò đầu tiên bắt được, góp lại vào một cái giỏ, để riêng ra ngâm vào nước. Lúc tan cuộc mò thì những con sò đầu tiên đã nhả sạch bùn. Vớt sò lên, cả hội cùng nhau trèo lên một cái chòi cất rớ tàu, chuẩn bị chế biến cho bữa tiệc sò tươi sống. Thợ mò dùng dao nhỏ tách đôi sò ra cho thật khéo, không để huyết sò chảy ra. Xong, vắt chanh vào thịt sò được nhuộm đỏ tươi màu huyết, đợi vài phút cho thịt chín hẳn mới ăn. Khỏi phải nói, món sò sống vắt chanh rất ngọt.”.
2. Cất công đi tìm hiểu vùng Ròn, tôi mới biết có nhiều chuyện lạ về con người như đất vậy. Ở xã Quảng Tùng, ngay bên mép sông có một cựu chiến binh tuổi ngoài 50, giọng nói sang sảng, tay chân phốp pháp khỏe mạnh. Ở vùng này và nhiều nơi khác ai chả biết đến ông; bước chân ông cũng đã đến gần như khắp năm châu bốn bể. Ông rất tâm huyết với con sò huyết sông Ròn, là người duy nhất nuôi sò huyết với thâm niên mười mấy năm. Có thời điểm, một tuần ông phải đi máy bay 3 chuyến vào miền Nam mua giống về nuôi.
Lúc chưa có sân bay Đồng Hới, ông đón xe đò vào Huế, lên máy bay đi TP.HCM, sau đó tiếp tục đón xe đò về Rạch Giá, Kiên Giang mua sò. Mỗi chuyến ông mua đến 4 tạ giống với giá 3 triệu đồng/kg. Về nuôi khoảng 6 tháng thì xuất bán. Ông bảo, nếu nuôi được 1 năm thì nó sống đến 1 tháng dù đưa đi bất cứ đâu, trong khi sò các nơi khác chỉ sống được khoảng 10 ngày là chết. Sò sông Ròn tròn đẹp, dù con giống có thể méo nhưng sau quá trình sinh trưởng lại tròn và huyết đầy. Ông là Phạm Ngọc Xuân, người ta hay gọi “Xuân sò”. Nhờ nuôi sò mà ông được UBND huyện, Hội Nông dân huyện tặng bằng khen.
Nhiều người lý giải, sò huyết sông Ròn ngon là do hình sông thế núi tạo ra nơi gặp gỡ diệu kỳ giữa 2 con nước mặn và ngọt. Vùng đất này xưa kia cũng là nơi thương thuyền nghỉ ngơi, quân lính đồn trú. Chính vì thế, mỗi lần vua quan đi qua dừng chân đều được dân địa phương dâng sò huyết thưởng thức.
Ông Xuân bảo, dịp tết Nguyên đán tiêu thụ sò nhiều nhất, cứ khoảng 25 đến 29 tết bán đến hơn 10 tạ. Theo lời truyền tụng, ngoài ngon bổ dưỡng, sò còn mang lại may mắn, “đỏ” cả năm cho người ăn khai xuân. Đặc biệt, đấng mày râu còn rỉ tai nhau sò là “Viagra tự nhiên”.
3. Ăn, với người Quảng Trạch cũng chẳng giống nơi nào. Đó là món sò huyết mù tạt, ông Xuân bảo đi khắp nơi từ bắc chí nam cũng chưa thấy nơi nào chế biến kiểu như ở quê ông. Sò huyết đắt, thường được gom bán cho nhà hàng nên muốn ăn phải tìm đến quán.
Hỏi quán mệ Mận ở thị trấn Ba Đồn thì nhiều người biết mặc dù quán chẳng ra quán, cũng không hề có bảng biển. Chủ quán là vợ chồng ông bà Ngự-Mận. Hai ông bà tỉ mẩn cắt từng loại phụ gia sẵn sàng, khách muốn ăn nhanh thì điện thoại báo giờ trước cho ông bà chuẩn bị. Khách đến, trong khi bà Mận trụng sò qua nước sôi và ngồi tách sò ra chén thì ông Ngự đổ mù tạt ra chén đầy xì dầu rồi đánh cho tan đều. Sò chần qua nước sôi với bí quyết và bàn tay khéo léo của bà Mận nên không quá chín, thịt và huyết còn tươi. Ai chưa quen, ông Ngự ngồi hướng dẫn cách ăn luôn, vừa làm ông vừa đọc mấy câu thơ: Sò huyết cháo lươn quán không tên/Quán không bàn ghế chiếu trải nền/Quý khách gần xa thăm ghé quán/Dẫu một đôi lần quán chẳng quên.
Hành, ngò, rau quế, giá đỗ sống, nộm chua, tỏi sát mỏng, gừng cắt nhỏ, đậu lạc, dứa thơm, bắp chuối tươi mỗi thứ một ít cho vào chén rồi lấy thìa múc 1 con sò cả huyết bỏ lên, sau đó múc nước mù tạt rải, nặn thêm ít giọt chanh tươi nữa và trộn đều.
Tiếp theo, dĩ nhiên cho vào miệng nhai thưởng vị. Thịt sò mát, béo lịm quyện với vị chua chua của nộm đu đủ, cay của gừng, chát của bắp chuối, vị nồng của mù tạt ngào ngạt trong vòm miệng. Nhai vừa đủ mù tạt xông lên mũi thì nuốt ực. Làm thêm ngụm rượu men riềng pha bột sắn dây của xứ Quảng Châu vào, lúc này mồ hôi cũng vừa toát ra khiến tâm hồn lâng lâng khó tả.
Du lịch, GO! - Theo Trương Quang Nam (báo Thanh Niên), internet
No comments:
Post a Comment