Friday, February 8, 2013

Thác Thanh Nữ ngày ấy và bây giờ...

Thác Thanh Nữ (người dân địa phương thường gọi là thác Buôn Cháy) nằm trên suối Ea Reh thuộc địa phận hai xã Cư M’gar và Ea M’roh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Ngọn thác tuyệt đẹp này được côngnhận là thắng cảnh du lịch văn hóa quốc gia từ năm 2005.

< Thác Thanh Nữ trước đây (Ảnh chụp vào tháng 12-2009).

Thác Thanh Nữ cao hơn 15m, với 3 dòng chảy tràn bọt tung trắng xóa trông giống như làn tóc của thiếu nữ. Thế nhưng những hình ảnh ấy đã trở thành dĩ vãng bởi sự tàn phá của con người...


< Giờ đây, thác chỉ còn lại hai tia nước nhỏ.

Trước đây khi rừng nguyên sinh còn được bảo vệ tốt, dòng suối Ea Reh luôn dồi dào, về mùa khô dòng nước trong xanh của con suối dội từ độ cao hơn 15m xuống phía dưới tung bọt trắng xóa tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn.

< Dòng suối bây giờ trơ đá...

Lúc chiều tà, ánh nắng mặt trời chiếu vào đám bụi nước tạo thành cầu vồng vắt ngang qua lưng chừng thác. Dưới chân thác là những bãi đá nhấp nhô cùng chững hồ nước nhỏ trong xanh với bãi cát trắng tinh tạo thành những hồ tắm lý tưởng. Nhìn từ xa, thác Thanh Nữ như chiếc váy vũ hội làm bằng nước của nàng tiên đang từ trên trời đáp xuống hạ giới.

< ... lòng thác cũng trơ đá...

Sau khi được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia, huyện Cư M’gar cũng đã tổ chức hội thảo bàn về thu hút vốn đầu tư, với hi vọng biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn có thể đem lại cả tiếng tăm lẫn tiền bạc cho địa phương.

< ... với những vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, ý tưởng đẹp đẽ đó nay đã trở thành chuyện không tưởng. Bởi quang cảnh tuyệt đẹp trước đây của ngọn thác này đã không còn, thắng cảnh này gần như bị xóa sổ.

< Thượng nguồn chỉ còn là một vũng nước nhỏ chỉ đủ cho vài cái máy bơm vừa tưới vừa chờ nước.

Vị trí trước đây là con thác hùng vỹ thì nay về mùa khô chỉ còn trơ ra những tảng đá khổng lồ, còn về mùa mưa thì dòng nước đục ngầu chảy như một cơn lũ quét.

< Dòng nước cuồn cuộn trước đây đã biến mất.

Nguyên nhân là những cánh rừng nguyên sinh ở phía thượng lưu và ở hai bên bờ suối cũng như ở khu vực hạ lưu của ngọn thác này trước đây xanh tốt, tạo nên hệ sinh thái phong phú để hình thành danh thắng cấp quốc gai này, nay đã bị người dân “cạo” sạch sẽ, biến thành nương ngô rẫy sắn.

< Phải chăng đây là nỗ lực cứu dòng thác này?

Cũng cần nói thêm rằng, Ea Mroh đang là một trong những xã phá rừng thuộc dạng “vô địch thiên hạ” ở Đắk Lắk, với gần 1.000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn đã bị xóa sổ, trong đó gần 700 ha đã bị chính chủ rừng (rừng giao khoán cho các hộ dân) “trảm” sạch.

< Có người đã ví dòng thác như hai dòng lệ nhỏ trên đá.

Như vậy, chỉ sau gần 6 năm được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, thác Thanh nữ đã bị xóa sổ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Monre.gov, báo Daklak...

No comments:

Post a Comment