Monday, February 11, 2013

Phiên chợ đồ cổ ngày Tết giữa thủ đô

Chợ họp từ ngày 20 đến ngày cuối cùng của tháng Chạp hằng năm, chủ yếu bán đồ cổ, đồ giả cổ và đồ đồng, với giá từ vài trăm nghìn tới cả trăm triệu đồng.

< Chợ đồ cổ tại Hà Nội họp từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp mỗi năm, với gần 20 gian hàng khác nhau.

Những ngày cận Tết, tại ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội) xuất hiện phiên chợ bán đồ đồng, đồ cổ hoặc giả cổ thu hút rất đông người thăm quan và mua hàng. Những người bán hàng cho biết, đây là phiên chợ truyền thống, họp một lần kéo dài từ ngày 20 đến 30 Âm lịch hằng năm.

< Tại đây bày bán đủ các loại đồ cổ và giả cổ, đồ đồng, sứ...

Các mặt hàng bày bán tại đây đa dạng, phổ biến nhất là các loại đồ thờ, tượng phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, vật dụng hàng ngày có tuổi đời cao như ấm trà, đèn cổ, lư hương, tranh, đồng hồ... hoặc một số vật phẩm bằng đồng mà theo lời người bán thì đã có hàng trăm năm tuổi.

< Thật giả lẫn lộn nên chỉ những người am hiểu mới phân biệt và định giá chính xác được món đồ.

Một số chủ hàng giới thiệu rõ với khách đâu là đổ cổ, đồ giả cổ, nhưng nhìn chung đều "sản xuất từ vài chục năm trước". Các món hàng này được chế tác tinh xảo, chỉ những người trong nghề mới phân biệt được đâu thật đâu giả.

< Chiếc đồng hồ cổ có giá 12 triệu đồng. Theo anh Ngọc Anh (người bán hàng), năm nay khách xem nhiều hơn mua, và gian hàng của anh bán chạy các sản phẩm giá rẻ.

Anh Nguyễn Văn Khánh (ở Nghi Tàm, Hà Nội), chủ sạp đồ ngay ngã năm cho biết gia đình anh theo nghề bán hàng này đã được 20 năm. Nguồn hàng phong phú, không chỉ mua lại từ những người chơi, dân buôn mà có thể qua trao đổi. "Khách có thứ mình cần, và ngược lại thì có thể thương lượng, chi phí thêm bớt bao nhiêu do 2 bên thỏa thuận từ việc định giá hàng", anh Khánh cho biết.

< Một quầy hàng "độc" với các loại đồ đồng cổ qua thời gian đã chuyển màu xanh. Những hũ tiền cổ có giá từ 2,5 đến 5 triệu đồng, tùy thuộc độ đẹp của các đồng tiền.

Trong khi đó, bác Thành Đô, người sở hữu sạp đồ đồng cổ chưa có bàn tay tác động của con người cam kết: "Hàng của tôi đều là đồ cổ thật, những người đào móng nhà hoặc công trình tìm thấy trong lúc thi công, tôi đến mua lại". Cả phiên chợ gần 20 quầy hàng, bác Đô là người duy nhất bán các món này, còn những nơi khác đều bán lẫn đồ giả cổ hoặc đồ cổ khác như bát, đĩa, đèn dầu, đồng hồ...

Năm nay, sức mua không cao như các năm trước. Chợ đông người qua lại và ghé vào, nhưng phần lớn là người xem vì tò mò, hoặc chỉ mua những món với giá trị nhỏ, do tâm lý không dám chắc được giá trị thực tế của các món hàng tại đây. Anh Đoàn Hải Đăng (Long Biên, Hà Nội) đắn đo giữa một hàng bán đồ đồng nhưng vẫn chưa quyết định chọn mua được món nào. "Đồ bán thế này nhìn có vẻ cũ, cổ thật, nhìn đẹp mắt nhưng mình không biết phân biệt nên khó mà biết giá của chủ hàng đưa ra có hợp lý hay không".

< Ngà voi chạm khắc được người bán chào giá 100 triệu đồng.

Các mặt hàng phong phú, với mức giá dao động từ vài trăm nghìn tới cả trăm triệu đồng. Một chiếc đĩa được giới thiệu sản xuất hơn 100 năm trước chào bán với giá 300.000 đồng, còn bộ ấm chén giả cổ hoặc chiếc bát "của Nhật sản xuất, ít cũng phải 90 năm trước" có giá 200.000 đồng. Hay một cặp đèn dầu chế tác với các họa tiết tinh xảo có giá bán thấp nhất 800.000 đồng, trong khi đó một cây đèn dầu cũ cũng có thể bán một triệu đồng.

Cao giá hơn là những chiếc đầu đọc đĩa than cổ (12 triệu đồng), đồng hồ cổ kiểu châu Âu (hơn 10 triệu đồng), hoặc các loại chóe, bình cổ giá cũng tới vài triệu đồng. Hay một cặp giả ngà voi cao hơn đầu người lớn được chào giá 100 triệu đồng. Người bán hàng cho hay sản phẩm được làm từ các loại xương động vật như trâu, bò...

"Các mẫu đẹp, lạ mắt năm nay bán tốt hơn mọi năm, nhiều món 'độc' vẫn có người mua dù giá hơn 50 triệu đồng", anh Khánh chia sẻ. Trong khi đó, "đồng nghiệp" của anh Khánh, anh Nguyễn Ngọc Anh bán hàng ngay bên cạnh cho biết, sạp của anh bán chạy chủ yếu các loại đèn dầu cổ, những mặt hàng từ 20 triệu trở lên bán chậm hơn mọi năm.

< Chiếc đầu đọc đĩa than giá 12 triệu đồng với vẻ ngoài phủ bụi và hộp bằng gỗ.

Chợ đồ cổ truyền thống tại ngã năm được tổ chức hàng năm để lưu giữ nét cổ truyền và giúp những người hoài niệm tìm về sở thích của mình. Theo những người bán hàng, việc mua bán, trao đổi những món đồ cổ vào dịp cuối năm mới đầu năm cũ cũng mang ý nghĩa về tinh thần và cầu mong sự may mắn. "Ví như mua đèn dầu, thắp đèn sáng quanh năm mang ý nghĩa cả năm gặp vận đỏ", anh Ngọc Anh lý giải.

< Những mẫu đồ độc, lạ và đẹp mắt hút khách năm nay. Theo lý giải của các chủ hàng, mua đồ cổ cho năm mới vừa để lưu giữ những nét cổ xưa, vừa để cầu mong sự may mắn.

Không chỉ người Việt Nam, chợ đồ cổ thu hút cả những du khách nước ngoài đến xem và mua hàng, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tranh thủ chụp ảnh. Cô Vanden Eynde, một du khách người Bỉ đến du lịch đã tròn một tháng cũng tận dụng ngày cuối cùng ở Việt Nam để đi thăm quan chợ. Chọn mua được một chiếc đĩa Bát Tràng cổ với giá 300.000 đồng, cô Eynde cho biết: "Tôi thích những món này nên mua mang về trang trí trong nhà. Tiếc rằng hành lý đã đầy nên không thể mua thêm nữa".

Du lịch, GO! - Theo VnExpress

No comments:

Post a Comment