Tôi nhìn vào đảo, bức tường khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” ở trên cao. Tôi hình dung như thấy vị Thái úy Lý Thường Kiệt đang đứng sừng sững, nhìn bao quát cả khu Đá Tây. Cả vùng biển lớn. Ngài như đang cùng con cháu quyết bảo vệ bằng được vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sức sống mãnh liệt nơi đảo chìm
Hai mươi hai giờ đêm, đến giờ đi đảo Đá Tây, cuộc giao lưu, tiễn đưa tại hội trường đảo Trường Sa Lớn vẫn chưa kết thúc được. Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam vẫn thiếu một người, đó là nhà thơ nữ Nguyễn Thúy Quỳnh. Là một nhà thơ nữ nên chị rất nhạy cảm, chị khóc khi gặp và khi chia tay cán bộ, chiến sĩ canh giữ đảo.
Khi đã có mệnh lệnh về tàu mà nữ thi sĩ Bùi Tuyết Mai vẫn cứ nán lại với các chiến sĩ như chẳng muốn rời. Tiếng còi tàu HQ 996 cất lên trầm vang như thúc giục, bấy giờ Tuyết Mai mới cuống cuồng chạy ra cầu cảng. Đứng trên thành tàu, đặt tay phải lên thái dương theo điều lệnh, chúng tôi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn...
Tàu đi xuyên trong đêm. Không ngủ được. Cảm xúc trong chúng tôi dâng tràn như đang say. Con tàu đi mải miết, lũ cá chuồn bay lách chách hai bên mạn tàu. Tới gần đảo Đá Tây, con tàu HQ 996 thả neo chờ sáng.
Mới tinh mơ, anh nuôi trên tàu đã lịch kịch kê bàn, đặt mâm cho bữa ăn sáng. Riêng Bùi Tuyết Mai đã thức gần hết đêm với bộ phận anh nuôi trên tàu. Chị nói nhỏ: “Các anh mới tuyển từ đơn vị lên, hơn chục người phục vụ đoàn ta gần hai trăm. Khu nhà bếp nóng đến 43 đến 45 độ. Các anh chỉ ngả lưng vài tiếng đồng hồ. Từ tối qua em tự nhận là nhân viên của bếp: Nhặt rau, rửa xoong nồi, đứng bếp, tàu gặp sóng, giữ nồi cho cơm chín”. Mồ hôi ướt đẫm áo. Đoàn trưởng Hải Đường khen: "Nữ nhà văn ngoan quá, chịu khó quá!". Rồi Thúy Quỳnh cũng xuống bếp. Chị em phóng viên nữ cũng kéo nhau cả vào bếp để đỡ việc anh nuôi...
Tôi ăn vội bát cơm sáng, khoác áo phao, vớ sổ, sách cẩm nang về Trường Sa, chiếc máy ảnh cũ Hữu Nhân cho mượn, nhảy tót xuống ca-nô. Vừa cập bờ đảo Đá Tây, Nguyễn Đắc Nhu giữ tôi lại để chụp ảnh bên cạnh bia chủ quyền. Mũ cứng, dép rọ quốc phòng, bộ quân phục màu xanh mượn của nhà thơ Nguyễn Anh Nông, Điện ảnh Quân đội. Đắc Như cầm máy ảnh trông oách quá. Vẫn còn đọng lại cái dáng của lính trận. Tôi theo cầu thang lên tầng hai thấy một nhóm phóng viên đang chĩa máy ảnh chuyên dụng và camera vào cây phong ba, cây bàng quả vuông trồng trong một cái chậu đầy đất phù sa. Anh Hải Đường nói với giọng xúc động: “Đây thực sự là những hình ảnh đáng quý. Sức sống mãnh liệt của cây lá Trường Sa, và của người Trường Sa. Người và cây biểu đạt sự trường tồn của Tổ quốc chúng ta”.
Tôi đang mải mê với ý nghĩ về Trường Sa và Tổ quốc thì có người gọi xuống xuồng sang điểm C. Điểm C có thể coi như đảo nổi nhỏ. Qua vườn rau muống, mùng tơi trồng trong nhiều chậu gỗ nhỏ, lên cầu thang, ra sân thượng rất đông phóng viên, cán bộ trong đoàn đang thắp hương. Trên bức tường lớn hiện ra bài “Thơ thần” của Thái úy Lý Thường Kiệt, bằng chữ Hán và chữ Việt quốc ngữ. Bài “Thơ thần” hướng ra phía hồ vành khăn san hô dài hơn mười lăm cây số, dòng thơ đọc lên lúc này thật linh thiêng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Chúng tôi xuống ca-nô đi dọc cả chục cây số trong hồ vành khăn. Anh Trần Diễn, công nhân khu dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây chỉ cho chúng tôi biết: "Khi bà con vào làm dịch vụ, trung tâm cấp nước ngọt miễn phí. Nước đá thì phải mua với giá được trên quy định. Xăng, dầu bán cho bà con với giá như trong đất liền". Anh Diễn có một con trai sinh năm 2010 tên là Trần Lê Đức Cường, vợ anh làm việc trong một trường tiểu học tận Nha Trang...
Ca-nô lượn quanh khu nuôi cá lồng. Lồng là một khung lưới rất lớn do Na Uy sản xuất. Theo ngôn ngữ dân chài quê tôi thì đấy là những lưới chài lớn có thể di chuyển, mở to ra hoặc thu nhỏ lại để bắt cá. Cả khu vực này nuôi cá Chẽm (cá Vược), một giống cá ngon. Anh em biết tin đã bắt sẵn tặng đoàn một bao tải cá, loại cá đã đến kỳ thu hoạch, một con nặng hơn 1kg. Tôi nhìn vào đảo, bức tường khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” ở trên cao. Tôi hình dung như thấy vị Thái úy Lý Thường Kiệt đang đứng sừng sững, nhìn bao quát cả khu Đá Tây. Cả vùng biển lớn. Ngài như đang cùng con cháu quyết bảo vệ bằng được vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảy giờ mười lăm phút, tàu của chúng tôi cập bờ đảo Tốc Tan C. Theo hải trình, thời gian tàu lưu lại đảo không dài, nên công việc các bộ phận triển khai nhanh. Đội văn công xung kích giao lưu, biểu diễn trên tầng hai. Tiếng đàn ghi-ta Đinh Thậm phập phùng. Vị Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng Đinh Thậm rất gần với lính, sẵn sàng phục vụ sẵn sàng ngay tại chỗ. Anh đệm ghi-ta cho cả nhóm hát bài Hành khúc ngày và đêm và Hát mãi khúc quân hành...
Tôi vòng ra phía sau ngôi nhà thì gặp anh Hải Đường đang nói chuyện với anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hai mắt anh Hải Đường rớm lệ:
- Chúng tôi vừa được biết cháu trai duy nhất của anh Phương, đảo trưởng mất vì bệnh máu trắng mới được bảy ngày. Đây là mất mát lớn lao không biết lấy gì bù đắp được. Cả đoàn công tác xin được gửi chút quà nhỏ, nhờ anh Phương chuyển tới chị và gia đình tấm lòng của chúng tôi.
Đảo trưởng Phương ngồi thẳng người không động tay, không nói. Có lẽ anh sợ cất tiếng nói giọng sẽ nghẹn ngào và bật ra tiếng khóc.
Tôi gọi điện thoại cho Bùi Tuyết Mai, nói chị kiểm tra lại số tiền các đảng viên cơ quan theo chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, trích ra một ngày lương ủng hộ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Đảng ủy khối cho phép đoàn giữ lại làm quà tặng khi đến các đảo. Mai nói nhỏ trong máy, quỹ đoàn mình cạn rồi anh ạ. Mình tặng Trường Sa Lớn, tặng Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh. Nhưng em còn tiền mẹ gửi tặng các chiến sĩ. Em tính tặng gia đình anh Phương. Tuyết Mai cầm chiếc phong bì to có dòng chữ Hội Nhà văn Việt Nam đặt lên bàn. Rồi nhà thơ xứ Mường khéo léo gom tất cả các phần quà lại, đến bên cạnh đặt khẽ lên tay anh Phương.
Phương vẫn nhìn thẳng, vai hơi động đậy một chút, một chị phụ nữ lớn tuổi trong đoàn đi đến phía sau. Nét mặt chị lộ vẻ xúc động, cặp môi run run, hai bàn tay run run đặt nhẹ lên bờ vai anh, chị khóc.
Ba ngôi mộ ở Trường Sa Đông
Trường Sa Đông là hòn đảo nổi nằm ở phía Đông Bắc Trường Sa Lớn ở trong vòng cung phía ngoài. Trên đảo Trường Sa Đông có ba ngôi mộ liệt sĩ. Nằm phía trước, ngay đầu bến lên đảo. Ba ngôi mộ quét vôi trắng nằm cách đều trên cát. Các anh chị em đến trước đã đặt lên mộ vàng, hương, mấy quả táo, bưởi da xanh, xoài, bưởi Biên Hòa mang theo từ đất liền. Người lính hải quân trẻ măng đứng trong ụ súng phòng không đặt gần ba ngôi mộ giới thiệu: “Trong ba ngôi mộ có một liệt sĩ hy sinh ở đảo khác mới đưa về, còn hai liệt sĩ hy sinh tại đảo Trường Sa Đông”. Tôi quỳ xuống bên mộ nhìn cho rõ để ghi đầy đủ tên, tuổi, ngày tháng các anh hy sinh vào quyển sổ tay.
Tôi đứng lặng một mình bên cạnh ba ngôi mộ liệt sĩ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi sinh năm 1979. Nghĩa là anh hy sinh khi đang ở độ tuổi sung mãn nhất của đời người. Ý nghĩ ấy khiến lòng tôi rưng rưng. Tôi cúi xuống sờ tay lên vụn đá san hô đã xây đắp thành mộ chí các anh. Bỗng có ai gọi tên, tôi giật mình quay lại thì thấy nhà thơ Tuyết Mai đã đến bên. Chúng tôi cùng lưu lại tấm hình bên mộ chí các anh như một sự ghi nhớ công ơn của những người đã không tiếc thân mình giữ biển...
Còn tiếp
Hải trình thương nhớ (Kỳ 1)
Hải trình thương nhớ (Kỳ 2)
Hải trình thương nhớ (Kỳ cuối)
Du lịch, GO! - Theo Đào Danh Thắng (QĐND), internet
No comments:
Post a Comment