Lễ cầu an xưa kia gọi là lễ tống gió, tống phong, tống ôn, là một lễ tục có từ lâu đời ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại Cần Thơ, lễ cầu an cho tới nay vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, tuy hình thức tổ chức ngày càng đơn giản hơn.
< Tàu ghe hộ tống đưa bè ra sông Cái để thả trôi.
Lễ cầu an thường diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng giêng hằng năm, tùy theo từng địa phương, cùng với thời điểm Tết Nguyên tiêu - rằm tháng giêng. Chính vì vậy dân gian mới có câu “Lễ tết quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Đây là một ngày lễ dân gian mang tính cộng đồng khá cao do nhân dân tự nguyện đứng ra quyên góp cùng với sự hỗ trợ về an ninh trật tự của chính quyền địa phương.
Lễ cầu an là lễ tống tiễn, xua đuổi tất cả những cái xấu, cái xui xẻo và khí độc ô uế, bệnh tật ra khỏi dân làng (tống gió, tống ôn), đồng thời cầu xin thần linh và người khuất mặt ra sức độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ cầu an còn là dịp cho dân làng tri ân những người quá cố, biểu hiện lòng thành kính đối với các vị anh hùng liệt sĩ và các bậc tiền hiền có công khai khẩn, mở mang bờ cõi.
< Bà con đốt lửa cúng cầu an trong đêm 13 -1 âm lịch.
Lễ tục cầu an nhằm biểu thị một nếp sinh hoạt thuộc về tín ngưỡng dân gian với nhiều hoạt động phong phú mà cao điểm là “đốt lửa” và “tống gió”, tức dùng bè chuối để tiễn đưa âm binh, các lực lượng vô hình theo dòng nước đi càng xa càng tốt. Trên bè còn chở đầy gạo muối, vàng bạc giấy tiền, đồ mả và thức ăn để cho các cô hồn sử dụng, đừng bao giờ quay lại phá phách xóm làng.
Năm nay tại ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền và Xóm Chài, phường Hưng Phú, TP Cần Thơ là những nơi tổ chức lễ cầu an long trọng nhất. Địa phương nào có miếu Ông, miếu Bà, miếu Thổ thần… đều có tụng kinh làm lễ cầu an, múa lân, múa bóng rỗi và thả bè thủy lục nhằm tống khứ tất cả những điều xúi quẩy, bệnh tật ra khỏi xóm làng, đồng thời đón nhận những điều may mắn, tốt lành trong những ngày đầu xuân.
Đặc biệt tại khu vực 3, khu vực 9, phường Hưng Phú, không khí diễn ra thật tưng bừng, dưới sông tàu ghe hộ tống chật ních, tiếng trống lân trầm hùng vang dội, trên bờ nhà nhà đều đặt bàn hương án và đốt lửa sáng rực. Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo vào lửa với ý nghĩa cho âm binh ăn xong rồi đi không quay lại.
< Bà con khiêng bè lên tàu chuẩn bị tiễn đưa ra sông Cái.
Cụ Lê Quang Trinh, 83 tuổi, trưởng ban cúng tế miếu Bà ở khu vực 3, Xóm Chài cho biết từ thuở nhỏ cụ đã tham gia tổ chức lễ tống gió với nhiều hoạt động sôi nổi. Cụ kể bè thủy lục xưa kia làm rất công phu, theo kiểu thuyền rồng, xung quanh trang trí cờ hoa rực rỡ, màu sắc lộng lẫy. Phía trước bè có bố trí các tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương.
Theo ghe còn có đoàn lân và nhiều ghe xuồng hộ tống, diễu hành trên các sông rạch thật náo nhiệt. Trong ghe có thêm một bè nhỏ làm bằng chuối cây rất xinh xắn dùng chứa đựng các vật tế để cúng cô hồn. Lúc bè thủy lục di chuyển trên sông, tiếng trống lân trầm hùng hòa cùng với tiếng pháo tre, pháo thăng thiên giòn giã khiến mọi người, nhất là bà con đứng dọc theo hai bên bờ sông vô cùng phấn khởi.
Trên đường tống tiễn, bè còn mang theo một thầy pháp đóng vai chúa Ôn để phất cờ ra oai xua đuổi các loại tà ma phá hoại dân lành.
< Đưa bè ra sông Cái vào buổi tối.
Thời ấy, khi bè tiến ra tới vàm sông lớn ban tế lễ mới thả bè nhỏ xuống sông với ước nguyện dòng nước sẽ mang theo tất cả những cái xấu, cái dở. Nếu bè trôi thẳng, trôi nhanh không tấp vào bờ thì đó là hiện tượng “cát tường”, năm mới làm ăn sẽ phát tài, phát lộc.
Theo tín ngưỡng dân gian, những người từng gắn bó với nông nghiệp thì “Đất có thổ công, sông có hà bá” và “Sống khôn thác thiêng”, bởi thế làng nào cũng thờ thần và biết ơn các vị tiền hiền, hậu hiền, những người đã ngày đêm tác động đến cuộc sống an cư lạc nghiệp của dân tình. Trái lại, thiên tai địch họa và những điềm xấu điềm dữ là đối tượng cần phải tiêu trừ.
Do vậy, lễ cầu an hằng năm của bà con là một hành động xuất phát từ nhu cầu tâm linh với khát vọng hòa bình và hạnh phúc ấm no.
Du lịch, GO! - Theo Hoài Vũ (TTO)
No comments:
Post a Comment