Thursday, January 31, 2013

Về thăm làng hoa Bà Bộ

Những ngày cuối năm, có dịp đi qua làng hoa kiểng Bà Bộ (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) sẽ cảm nhận hết vẻ mỹ miều của làng hoa có bề dày lịch sử trên 70 năm. Đây chính là làng hoa Bà Bộ, chuyên khai thác các loài hoa và cây cảnh bản địa mà người miền Tây ưa chuộng.

Nghề cha truyền con nối

Tuy không đa dạng và phong phú bằng làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Cái Mơn (Bến Tre) nhưng mỗi năm, làng hoa kiểng Bà Bộ đã góp phần làm đẹp cho đời với trên 300.000 giỏ hoa và cây cảnh các loại. Ông Tám Hoài (quê ở Nha Mân, Đồng Tháp) là người khởi xướng phong trào trồng hoa ở Bà Bộ, nay đã qua đời.

Năm 1940, ông Tám Hoài qua Cần Thơ lập nghiệp, có mang theo một số hạt giống trồng thử nghiệm, rồi dần dần phổ biến cho bà con. Thế hệ nối tiếp ông gồm có các ông Năm Bông, Sáu Dơi, Tư Mẹo, Tư Lô…

Đây đều là những nghệ nhân tiền bối, có nhiều công lao đối với việc hình thành và phát triển làng hoa truyền thống này. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Lô (Tư Lô) có tới 8 anh chị em nối nghiệp làm nghề hoa kiểng.

Làng hoa Bà Bộ đã gắn liền với tết Nam bộ. Trước năm 1954, người trồng hoa dùng ghe xuồng chở hoa và cây trái ra đậu cặp bờ sông, trước khi đưa hàng lên đường Hàng Dương, gần nhà lồng chợ cổ hiện nay. Lúc bấy giờ, bến sông có tên là Le quai de Commerce, sau đổi thành bến Lê Lợi. Mãi đến năm 1958, cái tên “bến Lê Lợi” mới đổi thành “bến Ninh Kiều”.

Từ đó đến nay, Bà Bộ và Ninh Kiều như hình với bóng, hoa và tết như duyên tao ngộ. Hễ có tết là có hoa. Hoa trên bến, hoa dưới thuyền. Hoa theo dòng người đi vào thành phố, làm rạng rỡ khắp mọi nơi.

Nắm bắt thị trường để làm giàu

Làng hoa Bà Bộ chuyên khai thác các loài hoa và cây cảnh bản địa mà người miền Tây ưa chuộng như: mai vàng, cúc, vạn thọ, ngọc nữ, thược dược, trang, hồng, hoa giấy, hướng dương… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do có nhiều giống mới nhập về, màu sắc phong phú và hấp dẫn khiến cho một số giống cũ như vạn thọ ta, cúc vàng, mào gà, hướng dương… lần hồi bị quên lãng, buộc lòng bà con phải chạy theo giống mới (cát tường, dạ yến thảo, các loại kiểng treo) để thu hút khách.

Bà Nguyễn Thị Chợ, Phó chủ tịch UBND P.Long Tuyền, phấn khởi cho biết hiện làng nghề hoa kiểng Bà Bộ có 236 hộ sản xuất trên diện tích 18 ha, đa số đều có thu nhập khá so với các mô hình trồng trọt khác. Sau mỗi đợt tết, gia đình nào cũng kiếm từ vài ba triệu tới vài chục triệu. Trong số đó, không ít nhà vườn đã vươn lên thành tỉ phú nhờ những cây kiểng có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là kiểng cổ thụ như mai vàng, nguyệt quế…

Kể từ khi con đường 91B đi ngang qua rạch Bà Bộ, nhiều công trình xây dựng đã lấn chiếm, khiến cho diện tích trồng hoa bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn cố giữ lại mảnh vườn, miếng ruộng để phát huy nghề truyền thống. Nhờ vậy mà làng hoa vẫn tồn tại và phát triển.

Để có được những chậu hoa đẹp mang ra chợ, người trồng đã phải tốn bao mồ hôi công sức và trải qua một quá trình lao động nghiêm túc. Mỗi loài hoa đều có “tính ý” khác nhau, người trồng phải biết để chăm sóc, nâng niu. Vậy mà những khi trái gió trở trời, chúng còn “nũng nịu” không chịu ra hoa hoặc bung nụ trước đêm giao thừa, khiến người trồng phải khóc dở.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Phương (iHay.Thanhnien), internet

No comments:

Post a Comment