Mờ sáng, bước chân trên con đường quanh co vào bản của người Thái đen nằm lọt thỏm trong thung lũng Mường Lò.
< Thung lũng Mường Lò.
Khi màn sương còn phủ dầy không gian sớm, tôi đã nghe xung quanh rộn lên tiếng người cười nói, tiếng lợn hộc eng éc, và đây đó thoảng trong sương sớm, hương khói bếp đang ấm lên những rộn ràng. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước chân vào Bản Cại, xã Thạch Lương, thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, một bản của người dân tộc Thái đen vào sáng sớm ngày 29 tết.
Đối với người Thái ở nhiều vùng trong cả nước, thường 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm, sau đó là thời gian nghỉ ngơi chơi Tết.
< Gia đình người Thái quây quần bên mâm cơm.
Sáng 27 hoặc 28, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 thì các nhà bắt đầu gói bánh chưng và chuẩn bị đồ tết trong từng nhà. Cùng đến chung vui ngày tết với người dân tộc Thái đen ở Mường Lò mới thấy hết những nét độc đáo trong phong tục đón tết truyền thống của người dân tộc Thái đen nơi vùng cao Tây Bắc.
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Bánh trắng giống của người Kinh. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Người Thái quan niệm hương vị Tết trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong. Bánh chưng cũng là món chính để dâng lên tổ tiên khi làm lễ cúng giao thừa.
< Luộc bánh chưng vào sáng ngày 30 tết tại bản Cại.
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu chờ đón giao thừa, hương không bao giờ tắt. Thời khắc giao thừa, sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh chưng, các đồ thổ cẩm, bạc nén... nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra cùng đánh tại nhà.
Tối 30 tết, trên bàn thờ đặt tại một góc trang trọng và riêng biệt ở góc gia phòng chính. Tấm rèm che được vén sang một bên và dọn sạch sẽ. Mâm cơm có gạo, muối, gà và thịt lợn được bầy lên để cúng giao thừa. Cả gia đình thay quần áo mới, phụ nữ mặc trang phục truyền thống của người Thái. Người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ làm lễ cúng thần linh mừng năm mới.
< Mọi nhà đều mổ lợn để chuẩn bị tiễn năm cũ và đón năm mới.
Sau lễ cúng giao thừa, cả gia đình cùng ngồi bên mâm rượu, uống bát rượu đầu tiên trong năm và chúc mừng những điều may mắn, sung túc cho cả gia đình. Từ ngày hôm sau, ngày mùng một tết, mọi người sẽ đi chơi và chúc tết họ hàng và các gia đình trong bản, đi chúc ở đâu thì uống rượu, ăn cơm ở đó. Chiều mùng một sẽ làm lễ tạ, sau đó thì thanh niên nam nữ sẽ đi chơi xuân, người Thái sẽ chơi tết cho đến hết ngày mùng mười âm lịch mới thôi.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng tổ tiên (ma nhà). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ như vậy mỗi ngày mùng Một Tết (hàng ngày, phụ nữ thường ăn sau hoặc ăn cùng đàn ông).
< Bên mâm rượu ngày tết.
Từ ngày mùng 2 tết, tất cả các nhà trong bản sẽ đi chúc tết nhau, thanh niên nam nữ thì tổ chức vui chơi, những trò chơi dân gian như tung còn, xòe, lượn giao duyên… sẽ diễn ra khắp đầu thôn, cuối bản.
Đây là dịp để thanh niên nam nữ người dân tộc Thái cùng vui chơi, tìm hiểu, yêu đương.
Du lịch, GO! - Theo Vũ Thanh (ANTĐ), internet
No comments:
Post a Comment