Trao trảo là một loài chim thuộc họ chào mào, còn có tên hoành hoạch (hay quành quạch). Trao trảo biết hót, nhưng tiếng hót không mấy thanh tao, sang trọng, đài các như các “nàng” sơn ca, hoàng oanh, họa mi... nên chúng chẳng mấy khi được người chơi chim cho ở trong “lầu son gác tía”, thi đấu tưng bừng như các nàng ca sĩ có “sao” vừa nêu.
Trao trảo là loài chim được người ta liệt vào loài “phá họai vườn cây ăn trái” vì chúng rất thích ăn những trái chín treo lủng lẳng trên các cành cây đang trĩu quả, tỏa mùi thơm quyến rũ, như xoài, nhãn, sa-pô-chê, thanh long...
Đặc biệt trao trảo rất thích ăn những trái lá cách chín tím bầm. Dù vậy, để săn bắt chúng, người ta không giăng lưới, móc câu hay một phương cách nào khác, ngoài việc dùng cái giọng hót đặc trưng của con trao trảo mồi để quyến dụ chúng. Nếu trúng, một bữa người ta có cả chục con trao trảo mê nghe “ca hát” mà sa vào chốn hiểm nguy.
Chốn hiểm nguy ấy là bàn tay của những ông bợm nhậu, của những bà chủ quán lão luyện việc bếp núc. Như cái quán ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè), được xem là vườn cây trái của tỉnh Trà Vinh. Cái quán ấy có tên “Cháo dơi” (dơi sen) nhưng người dân địa phương đặt cái tên dân dã là quán “Côn trùng”. Gọi như vậy vì ngoài việc bán các thức ăn pha chế từ dơi sen, trao trảo, quán còn bán những món ăn từ dế cơm, bọ rầy, đuông đất.
Toàn là đặc sản, nên ngoài việc thu hút dân bản xứ, quán còn hấp dẫn những người sành ăn từ khắp nơi đến thưởng thức. Riêng trao trảo, lâu lâu quán mới có vài chục con, nên muốn thưởng thức, khách địa phương cũng phải “a lô” đặt trước. Còn khách phương xa may mắn lắm mới có dịp nếm thử. Tại đây, quán chỉ có mỗi một món duy nhất làm từ trao trảo là chiên giòn.
Chủ quán là một người phụ nữ Khmer lai Hoa, trắng trẻo, mập mạp, tiết lộ "bí quyết" món trao trảo chiên giòn. Chẳng khó khăn gì: Trao trảo sau khi nhổ sạch lông, gọi là “làm lông”, được móc bỏ nội tạng, rửa sạch để ráo. Sau đó, ướp chúng với một số gia vị, như muối, tiêu, bột ngọt, bột nêm, đường, tỏi vừa ăn, để thấm chừng mười phút. Bắc chảo lên bếp lửa, chảo khô, đổ nhiều dầu vào. Dầu sôi, gắp từng con trao trảo thả vào.
Trong chốc lát, những con chim lớn hơn chim sẻ một chút ấy, từ màu trắng ngà đã trở thành màu vàng sậm, bắt mắt. Hấp dẫn hơn là từ trong chảo dầu sôi sùng sục ấy tỏa ra một mùi thơm “điếc mũi” của những con trao trảo chín đều. Vậy là gắp chúng ra, sắp đầymặt dĩa, dọn ra bàn. Bên cạnh dĩa trao trảo là một dĩa đầy ắp rau xanh, gồm húng, húng lủi, quế và những miếng dưa leo non choẹt gọi mời cùng một chén ớt sừng xắt lát bên cạnh mấy miếng chanh chờ sẵn.
Phục vụ cho mồi màng thêm phong phú, đủ chuẩn là hai loại thức chấm: một chén nhỏ nước mắm me, một chén nhỏ muối tiêu. Ai ăn thức chấm nào thì cho ớt vào đó. Riêng muối tiêu thì phải vắt miếng chanh để có vị chua thấm lưỡi.
Vậy là thực khách cầm đũa, gắp một con trao trảo chấm vào thức chấm mình ưa thích trước khi cho lên miệng cắn, nhai. Ôi chao! Giòn rụm, hương thơm quyện với vị mặn ngọt chua cay, quá đã! Rồi miếng dưa leo, những lá rau xanh mơn mởn hòa điệu trong miệng như một bản "hợp xướng" ẩm thực. Càng “tê người” hơn khi chiêu một ngụm rượu gạo đục ngầu chánh gốc Cầu Kè, cay, nóng nhưng nhẹ hều, phiêu phiêu như gió thổi giồng tre xào xạc bên hè. Khoái sướng làm sao. Càng khoái hơn khi anh em bù khú bảo nhau rằng nhậu trao trảo chiên giòn là tích cực bảo vệ trái cây của nông dân cực khổ xứ nầy.
Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (TBKTSG Online) + internet
No comments:
Post a Comment